Tại hội nghị giao ban tháng 5 của Bộ Công Thương diễn ra sáng 2/6/2014, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đã dự báo: Kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2014 có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng trên 10%.
Những điểm sáng xuất khẩu
Cùng với kết quả khả quan của nhiều ngành sản xuất thì XK 5 tháng đầu năm đạt 58,5 tỷ USD. Đáng kể nhất là sự bứt phá của khối doanh nghiệp (DN) trong nước với mức tăng 11,9%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, kim ngạch XK của khối DN FDI chỉ tăng 18,6%, thấp hơn hẳn so với con số 36% của năm ngoái. Tỷ trọng hàng XK các mặt hàng chế biến cũng tăng khá, XK khoáng sản giảm, đây là điểm sáng, phù hợp với định hướng chiến lược của Việt Nam trong chiến lược XK.
Ông Phan văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, kim ngạch XK tháng 5 có sự sụt giảm nhẹ so với tháng trước do “vướng” vào 3 ngày nghỉ lễ, nếu tính trung bình mỗi ngày Việt Nam XK 400 triệu USD thì kim ngạch của tháng 5 đã bị “hụt” ít nhất là 1 tỷ USD.
Đến thời điểm này, nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gạo… đã có đơn hàng khá ổn định, nhiều DN dệt may có đơn hàng đến hết tháng 9. Đối với XK gạo, đến hết tháng 5 đã đạt kim ngạch 2,7 tỷ USD, hợp đồng XK được các DN ký đến ngày 30/5 khoảng 4,3 triệu tấn, đã xuất 2,7 triệu tấn, còn đang chờ giao hàng 1,6 triệu tấn. Ông Chinh cho biết thêm, mặc dù thị trường rất khó khăn nhưng lượng đơn hàng XK gạo đã tăng 17% so với năm ngoái.
Dựa vào những đánh giá diễn biến thị trường cũng như mức tăng trưởng mà nhiều ngành XK đã và đang thực hiện, Cục Xuất nhập khẩu nhận định: XK năm nay sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10% nếu giữ vững được mức tăng như tháng 3 và 4 vừa qua, mỗi tháng còn lại của năm 2014 phải đạt kim ngạch 12,7 tỷ USD.
Tăng lực cho sản xuất- xuất khẩu
Giữ vững sản xuất và đẩy mạnh XK vẫn là những nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương trong những tháng tới. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ vừa đồng ý bổ sung thêm nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại giúp các DN có thêm nguồn lực tiêu thụ hàng hóa, phát triển thị trường nội địa và XK.
Được biết, nhiều DN, ngành hàng cũng đã chủ động nâng cao nội lực trong sản xuất - kinh doanh, chủ động đầu tư sản xuất sợi để tăng thêm nguồn nguyên liệu, tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường khác thay vì lệ thuộc vào một vài thị trường hiện nay. “Đây là cơ hội để tăng nội lực của các DN”- ông Hoàng Vệ Dũng Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương Điện Tử