Sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Trần Việt
Trong những năm qua, ngành chế biến và XK sản phẩm gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc với kim ngạch XK luôn tăng trưởng cao. Nếu như năm 2000, giá trị XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam mới ở mức khiêm tốn là 214 triệu USD thì đến năm 2004, kim ngạch XK đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD (1,154 tỷ USD). Giai đoạn 2001-2012, kim ngạch XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam liên tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước (trừ năm 2009). Năm 2012, Việt Nam XK gỗ và phẩm gỗ đạt 4,67 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2011, vượt gần 7% so với kế hoạch và tăng gần 200% so với năm 2007 (2,4 tỷ USD). Ngay sau đó, năm 2013, kim ngạch XK lâm sản của Việt Nam tiếp tục tăng 19,2% so với năm 2012 và chiếm khoảng 4,3% thị phần toàn cầu khi đạt giá trị XK 5,7 tỷ USD. Nhìn nhận trên bình diện rộng hơn, gỗ và lâm sản là mặt hàng có tỷ lệ xuất siêu cao so với một số mặt hàng XK khác. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới, thứ 2 châu Á và số 1 Đông Nam Á về XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Song song với sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch XK, thị trường XK các sản phẩm gỗ cũng không ngừng được mở rộng. Nếu năm 2003, sản phẩm gỗ Việt Nam chỉ XK vào hơn 6 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có mặt tại trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 3 thị trường chính chiếm tỷ trọng kim ngạch XK lớn nhất là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, tiếp đến là các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức, Australia, Canada, Pháp, Hà Lan… Còn yếu nhiều mặt Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Nhiều năm qua, ngành chế biến gỗ mặc dù phát triển nhanh nhưng không bền vững. Tăng trưởng của ngành này chủ yếu dựa vào XK, nhưng phần lớn lại chỉ là gia công, phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài. Hiện, chỉ số ít DN có thể chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Còn lại hầu hết các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ như hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề,… thường có công nghệ thiết bị lạc hậu, khả năng quản lý hạn chế, thiếu chiến lược kinh doanh… nên sản phẩm làm ra có giá thành cao và quan trọng hơn là làm giảm năng lực canh tranh. “Một trong những điểm yếu, bất lợi lớn của ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các DN chế biến gỗ. Nguồn nguyên liệu, nhất là gỗ lớn đang bị phụ thuộc vào nguồn NK nên các DN chế biến khá bị động trong sản xuất, kinh doanh. Sự thiếu gắn kết này một mặt khiến cho hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng chưa cao, giá trị gia tăng của lâm sản chưa được như mong muốn, mặt khác lại làm hạn chế sự cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ”, ông Dũng nhấn mạnh. Cũng theo ông Dũng: Lỗ “hổng” từ ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điểm yếu không thể không kể đến, ảnh hưởng trực tiếp tới sự bền vững của ngành chế biến gỗ nói chung, XK gỗ nói riêng. Mặc dù hiện nay công nghiệp phụ trợ đã có những bước phát triển đáng kể, phục vụ cho quá trình chế biến gỗ hiệu quả hơn, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất, nhất là đối với các DN chế biến gỗ ở phía Bắc. Đặc biệt, việc sản xuất các loại keo kết dính còn chưa đáp ứng được với nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của các DN sản xuất ván nhân tạo. Cần giải pháp đồng bộ Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành gỗ nói chung cũng như XK gỗ nói riêng có sự phát triển, tăng trưởng bền vững hơn, cần phải biến công nghiệp chế biến và thương mại gỗ phải trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành lâm nghiệp, phát triển theo cơ chế thị trường trên cơ sở công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng gỗ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu XK cũng như tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, cần tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và đồ mộc mỹ nghệ,... Đồng thời, tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu NK và nâng giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến. Còn theo ông Nguyễn Mạnh Dũng: Điều quan trọng là phải đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách hàng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và cấp chứng chỉ cho các mặt hàng XK; đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo, giảm dần chế biến dăm giấy XK. Xung quanh vấn đề này, ông Trịnh Quốc Đạt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích liên kết giữa các làng nghề gỗ, liên kết giữa các DN gỗ trong tiêu thụ sản phẩm như giảm thuế XK, cho vay tín dụng và các ưu đãi khác. Các cơ quan thương mại các nên chú trọng chỉ đạo và hỗ trợ tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi, giới thiệu thị trường cho các tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề gỗ và các DN. Đối với riêng Bộ Công Thương, cần có bộ phận chuyên trách chỉ đạo XK sản phẩm làng nghề trong đó có sản phẩm của làng nghề gỗ.
|