Việt Nam hiện đứng thứ sáu trên thế giới, thứ hai ở châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên ngành hàng này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn gốc nguyên liệu, nhân công… khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2014, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,7 tỷ USD mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang gần 40 nước trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ là thị trường chính, chiếm 35,7% tổng kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, tăng 14,94%. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản đạt 542,8 triệu USD, tăng 23,07%. Đặc biệt thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ đã thực hiện hình thức xuất khẩu sản phẩm gỗ nội thất trọn gói theo các công trình ở nước ngoài mang lại giá trị gia tăng cao. Dự kiến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt 6,5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) - cho biết: Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh là do có sự dịch chuyển nhiều đơn hàng lớn từ các nước vào Việt Nam. Ngoài ra, thời gian qua Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước và theo lộ trình thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng giảm dần về 0%. Trong đó, mặt hàng gỗ đang hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu. Đây chính là yếu tố hấp dẫn và thu hút nhiều DN nước ngoài hướng vào thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Tại tỉnh Đồng Nai, nhiều công ty sản xuất các sản phẩm từ gỗ cho biết, từ đầu năm đến nay, họ liên tục nhận được các đơn đặt hàng lớn từ những đối tác nước ngoài. Nhiều công ty đã nhận được đơn đặt hàng đến hết quý I/ 2015.
Các hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam đã và sẽ ký kết đặc biệt là Hiệp định TPP dự kiến sẽ đem đến nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu gỗ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu không đáp ứng được yêu cầu về một số vấn đề liên quan đến xuất xứ nguyên liệu, nhân công, môi trường…
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng- Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: trong đàm phán TPP, vấn đề xuất xứ nguyên liệu, môi trường luôn được quan tâm. Bên cạnh đó, theo quy định của TPP về thành phần giá trị khu vực, một sản phẩm cần có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 55% tổng giá trị.
Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất không được nhập khẩu nhiều hơn 45% nguyên vật liệu từ các quốc gia không phải là thành viên TPP để chế tạo, sản xuất, bao gồm cả chi phí chế biến. Điều này có thể gây trở ngại với lĩnh vực sản xuất gỗ Việt Nam do không đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng các sản phẩm đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đòi hỏi đội ngũ lao động tay nghề cao.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hawa - nhấn mạnh: Thách thức đặt ra cho DN không nhỏ, song với TPP sẽ giúp DN nâng cao môi trường làm việc, cũng như quy mô sản xuất, khả năng cạnh tranh… để tham gia tốt hơn trên thị trường xuất khẩu
Ngoài ra, nhà nước cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và vùng nguyên liệu để các DN có định hướng đầu tư phát triển; tạo điều kiện cho các DN tiếp cận với nguồn vốn vay đầu tư thiết bị, trồng cây gỗ lớn làm nguyên liệu và có biện pháp giảm chi phí cho DN trong quá trình sản xuất và xuất nhập khẩu…
Theo Báo Công Thương Điện Tử