XK gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 1,38%. Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 15,92%, 24,29% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản– 3 thị trường NK lớn nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 – chiếm 66,17% tổng giá trị XK.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Bao năm nay, XK gỗ của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng luôn không bền vững. Một trong những điểm yếu lớn của ngành chế biến gỗ là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các DN chế biến gỗ. Nguồn nguyên liệu, nhất là gỗ lớn đang bị phụ thuộc vào NK nên các DN chế biến khá bị động trong sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành gỗ nói chung cũng như XK gỗ nói riêng có sự phát triển, tăng trưởng bền vững hơn, cần phải biến công nghiệp chế biến và thương mại gỗ phải trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành lâm nghiệp, phát triển theo cơ chế thị trường trên cơ sở công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng gỗ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu XK cũng như tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, cần tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu NK và nâng giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến.
Trong 7 tháng đầu năm, nếu như giá trị XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ chỉ tăng hơn 13% thì giá trị NK mặt hàng này lại đạt gần 1,37 tỷ USD, tăng tới 74,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, NK gỗ từ thị trường Lào chiếm 33,5%, Campuchia chiếm 14,4%, Hoa Kỳ chiếm 8,9%. Trung Quốc là thị trường NK gỗ lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 8,8% tổng kim ngạch NK. Tổng kim ngạch NK gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Báo Hải Quan.