|
Đứng trước những cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập, ngành dệt may nước ta đã và đang có những bước chuyển mình từ OEM (gia công) lên FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) rồi ODM (tự thiết kế, sản xuất) và thậm chí là cả OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối), với kỳ vọng sản phẩm dệt may sẽ nâng cao giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường.
Xu hướng tất yếu
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may nước ta dù có mức tăng trưởng mạnh, kim ngạch XK năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng tổng giá trị XK của ngành mới chỉ đạt 4% thị phần NK toàn cầu. Đặc biệt, tại các quốc gia có tỉ trọng NK hàng dệt may lớn thì giá trị hàng dệt may Việt Nam vẫn chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn. Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm 7,1% (7,6 tỷ USD), ở thị trường Nhật Bản là 5,9%, ở Hàn Quốc là 14,2% (số liệu năm 2012).
Nghịch lý này là do hàng dệt may nước ta chủ yếu vẫn sản xuất theo hình thức gia công (OEM) hoặc cao hơn một chút là FOB. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Vitas, trong toàn bộ đơn hàng dệt may ở nước ta, các DN làm theo phương thức gia công chiếm tới 70%, làm FOB chiếm 20%, còn 2 hình thức mới nhất là ODM và OBM chỉ chiếm lần lượt 9% và 1%.
Ông Lê Hữu Phong, Giám đốc Công ty cổ phần may Sơn Hà (Hà Nội) cho biết, DN khi làm theo OEM hoặc FOB đều đã bị khách hàng khống chế nhiều khâu, DN chỉ bỏ ra chút tiền và chia sẻ trách nhiệm với khách hàng nên phần lãi bị rút bớt, phải làm theo ODM và OBM thì mới thực sự thu được lợi nhuận cao. Đồng quan điểm, đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG chuyên kinh doanh, sản xuất hàng may mặc XK cho hay, TNG cũng đang tiến hành dịch chuyển sang phương thức ODM vì đây là dư địa để ngành dệt may tăng trưởng trong những năm tới.
Cũng nói về vấn đề này, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas cho rằng, trong thời kỳ mà chuỗi cung ứng của ngành dệt may đã được hình thành tương đối rõ nét thì nếu các DN cứ làm gia công hoặc FOB sẽ khiến DN trở nên thụ động và không có bất kỳ tiếng nói nào trong chuỗi cung ứng đó. Chính vì thế, ngay khi có thị trường nhân công giá rẻ nào mới nổi lên, ví dụ như Myanmar, thì các DN trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt, mất nhiều nguồn hàng dẫn đến không còn tồn tại hoặc tồn tại rất nhỏ.
Chính vì thế, bà Đặng Phương Dung đã nhấn mạnh, chuyển dịch lên ODM hay OBM là xu hướng phát triển tất yếu, không thể mãi cạnh tranh và đi lên bằng năng suất lao động, các DN phải làm sao để tăng giá trị sản phẩm. Có thể thấy được điều này qua Trung Quốc hay một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore…, trước đây các nước này cũng là công xưởng của thế giới, nhưng khi tiền nhân công tăng lên, khách hàng đã chuyển dịch sang các nước khác giá rẻ hơn. Thế nhưng, những nước này vẫn có kim ngạch XK dệt may lớn nhờ chuyển được sang phương thức ODM và OBM, đi sâu vào những mặt hàng có giá trị cao, yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã.
Cánh cửa không dễ qua
Theo đánh giá của các DN và các chuyên gia về dệt may, sản xuất theo phương thức ODM và OBM thì biên lợi nhuận hàng hóa có thể tăng lên 30-40% hoặc 100% tùy loại. Tuy nhiên, bà Đặng Phương Dung nhận định, sản xuất theo phương thức ODM hay OBM là cái đích muốn các DN dệt may nước ta hướng tới nhưng không dễ để DN nào cũng làm được, kể cả các DN lớn. Còn theo đại diện của Công ty TNG, ODM là phương thức sản xuất hàng XK có giá trị cao nhưng được xem là điểm yếu nhất của ngành may mặc Việt Nam
Nhìn chung một điều khi nói về khó khăn lớn nhất của dệt may để đi đến ODM hay OBM không phải vấn đề tài chính mà là con người, đặc biệt là đội ngũ thiết kế. Theo bà Trần Bảo Linh, Giám đốc Trung tâm thời trang Hera fashion, vì là thương hiệu thời trang thuộc Tổng công ty Đức Giang, nên hãng có lợi thế về kỹ thuật may với trang thiết bị hiện đại, công nhân lành nghề cùng hệ thống phân phối và tên thương hiệu phổ biến cả nước, thế nên, vấn đề khó khăn nhất là thiết kế và ý tưởng, phải làm sao để cho ra được sản phẩm phù hợp và được thị trường chấp nhận.
Còn theo ông Lê Hữu Phong, Công ty cũng rất mong muốn chuyển lên sản xuất theo phương thức ODM, nhưng Công ty không có đội ngũ quản lý đơn hàng và thiết kế đủ năng lực đảm nhận. Hơn nữa, làm ODM hay OBM còn liên quan đến thương hiệu của công ty, riêng OBM phải là những DN thực sự lớn mới có thể phát triển và thu hút khách hàng. Đại diện một hãng thời trang thể thao của Mỹ tại Việt Nam cho biết, thương hiệu thường đặt hàng ở các nhà máy tại Việt Nam trung bình khoảng 20-30 mã/nhà máy/mùa, nhưng chỉ có khoảng 2-3 mã là do nhà máy phát triển, còn lại đến 90% vẫn là mẫu từ bên công ty nước ngoài đưa về.
Cho biết thêm về những cái khó của DN, theo bà Đặng Phương Dung, thực tiễn cho thấy các DN Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để dịch chuyển theo hướng đi mới. Bởi muốn làm được, các DN không chỉ cần đội ngũ thiết kế mẫu mã giỏi, mà còn cần sự sáng tạo để cho ra đời những nguyên liệu mới trong khi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu ở nước ta còn rất thiếu và yếu.
Gian nan tìm hướng đi
Các DN dệt may trong nước thành công khi đi theo phương thức ODM có thể kể đến Việt Tiến, May 10, TNG, Phong Phú, Đông Xuân… Sản xuất theo ODM của dệt kim Đông Xuân (Doximex) không chỉ ở may mà còn ở dệt và hoàn tất vải với sự chủ động trong công nghệ để tạo ra các sản phẩm mới từ vải cho đến mẫu trang phục. Còn mô hình ODM của Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú là chuyên về sản xuất hàng denim với đội ngũ chuyên về thiết kế kiểu dáng và phát triển lực lượng marketing chuyên chào bán…
Với phương thức OBM, các DN vẫn đang chỉ cung ứng cho thị trường nội địa, còn một khoảng cách khá xa nữa các DN mới có thể đem hàng ra XK. Các DN thành công theo phương thức OBM kiểu này có thể kể đến rất nhiều tên tuổi như: Canifa, Ninomaxx, Blue Exchange, PT2000… Cách làm này, bà Đặng Phương Dung nhận xét: “Đây cũng như một phương thức để DN thực tập trên sân nhà để nắm được thị hiếu của người tiêu dùng, hiểu được thị trường nội địa rồi mới mở rộng được ra thế giới”.
Con đường thành công của các DN trong nước khi tự sản xuất và phân phối dù thế nào cũng sẽ gặp nhiều gian nan, đòi hỏi sự đầu tư cả về công sức và thời gian. Chia sẻ về cách thức để DN phát triển theo ODM và OBM, vị đại diện của Vitas cho rằng phải hướng vào đào tạo đội ngũ thiết kế, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo để họ có quyết tâm và xác định được hướng đi phù hợp. Chính vì thế, Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ đào tạo những nhà thiết kế trẻ, đào tạo không phải ở lý thuyết mà phải là thực hành để họ tạo ra được những sản phẩm mang tính thương mại, phù hợp thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần hỗ trợ về chính sách đầu tư cho các ngành dệt nhuộm, nguyên phụ liệu. “Con đường phát triển ngành Dệt may Việt Nam với ODM, OBM khó những không có nghĩa là không làm được”, bà Đặng Phương Dung nói.
Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại:
“Việc tiến tới phương thức sản xuất ODM, OBM rất khó khăn, đặc biệt ở công đoạn thiết kế mẫu. Nhất là nếu làm đệt may thời trang, vì ngay cả dệt may đại trà cũng đã khó. Trên thế giới cũng chỉ có một vài nước làm tốt. Tuy nhiên, nếu đi theo con đường xây dựng công nghiệp dệt may thì khó cũng phải làm, nhưng chắc chắn sẽ không làm nhanh được. Nếu nhanh thì 5 năm, nếu không thì 10,15 năm. Để đáp ứng điều kiện khi tham gia TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), thì DN dệt may Việt Nam phải chủ động trong thiết kế, nguyên phụ liệu cho đến thành phẩm cuối cùng. Để tạo điêu kiện cho DN, nhà nước phải điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho DN, kêu gọi đầu tư nước ngoài... Về phía các DN, thay vì ngại ngần, không dám xông pha, DN cần phải tự vươn lên, chủ động thay đổi cách làm. Điều này đòi hỏi những nhà quản lý DN phải có quyết tâm để tìm cách phát triển ổn định, lâu dài và bền vững”. |
Theo Báo Hải Quan.
|