Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong vòng 3 - 5 năm tới, Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu dệt may tương đương với các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU).
Ngay sau khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU - FTA) - trước đó gọi là liên minh hải quan - sẽ có ưu đãi thuế quan đối với nhiều nhóm hàng của Việt Nam như nông sản, dệt may, da giầy, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến... Đối với dệt may, da giày, phần lớn mặt hàng có mức thuế suất về 0%, số còn lại cũng sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình cam kết.
Về tổng thể, hai bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương.
Chia sẻ những cơ hội từ EEU - FTA, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Vitas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, dung lượng nhập khẩu dệt may của EEU là 16 tỷ USD năm 2014, trong đó Nga nhập khẩu 13 tỷ USD, Kazakhstan và Belarus nhập trên 1 tỷ USD. Đối tác chủ yếu của EEU, ngoài thương mại nội khối thì Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Bangladesh là các đối tác chính.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu dệt may vào EEU với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD. Ông Trường cho rằng, với sự cam kết hợp tác từ các chính phủ, sự nỗ lực thúc đẩy giao thương từ doanh nghiệp các quốc gia trong EEU cùng những diễn biến kinh tế - chính trị trên thế giới thuận lợi, dự kiến sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EEU được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo.
Cũng theo Vitas, trong vòng 3 - 5 năm tới, Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào EEU.
Để có thể tận dụng tốt cơ hội và tiềm năng EUU - FTA mang lại, Vinatex cũng như Vitas đã có kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp mang tính định hướng và đồng bộ. Bên cạnh tuyên truyền về các cơ hội mới đến từ Hiệp định cho các doanh nghiệp, cũng như giới thiệu thông tin về cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác EEU, Vinatex và Vitas sẽ chủ động tham gia và tổ chức các đoàn DN thăm EEU để gia tăng cơ hội phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp dệt may EEU đến hợp tác đầu tư tại Việt Nam, tại các khu công nghiệp dệt may của Vinatex, Vitas sẽ giúp tăng cường hợp tác theo hình thức liên doanh, liên kết với các công ty thương mại trong khối để thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may giữa các bên.
Theo Báo Hải quan