Doanh nghiệp thủy sản bước vào công cuộc chọn lọc tự nhiên của nền kinh tế.
Xuất khẩu cá tra đã bắt đầu gặp khó khăn năm 2011. và từ thời điểm đó đến nay, ngành cá tra bước vào một cuộc thanh lọc lớn. Trong đó, những doanh nghiệp với năng lực thật sự sẽ là “những người sống sót”, bên cạnh một con số lớn các doanh nghiệp khác phải đóng cửa hay phá sản, hoặc chuyển qua hình thức liên doanh với công ty khác để tồn tại.
Quá trình thanh lọc
Ngành thủy sản bắt đầu phát triển nhanh từ những năm 2003 với sự ra đời ồ ạt của các công ty thủy sản, đặc biệt là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khi đơn hàng nhiều và liên tục, hàng làm không đủ xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng chính vì theo “phong trào” mà doanh nghiệp cá tra cũng chia làm nhiều dạng: nhóm doanh nghiệp xuất khẩu; nhóm doanh nghiệp tận dụng chính sách ưu đãi nhà nước về đầu tư đa ngành (do đó ít tập trung vào xuất khẩu cá tra) và một lượng lớn doanh nghiệp làm môi giới thương mại (hầu hết các công ty này đều bán sản phẩm chất lượng kém, giá thấp khiến thị trường cá tra bị doanh nghiệp nhập khẩu ép giá).
Bắt đầu từ cuối năm 2011, thị trường xuất khẩu trở nên khó khăn, những doanh nghiệp thủy sản muốn tồn tại bắt buộc phải có nguồn vốn ổn định và chú trọng hơn đến chất lượng. Có thể nói, cho đến nay, những doanh nghiệp cá tra còn tồn tại được đều là những doanh nghiệp tốt, chiếm thị phần xuất khẩu tương đối lớn. Tại một số tỉnh, tỉ lệ các doanh nghiệp cá tra hoạt động chỉ còn khoảng 20-30%. Chẳng hạn tỉnh Cà Mau chỉ có 30% doanh nghiệp thủy sản hoạt động tốt nhưng lại chiếm đến 80% doanh số xuất khẩu của Tỉnh.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù có hàng loạt công ty thủy sản lớn vỡ nợ, nhưng đến tháng 8.2014, kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn đạt 4,95 tỉ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, nhận xét khó khăn cũng là một cách tốt để thị trường cá tra trong sạch hơn, những doanh nghiệp trụ lại thị trường cho đến nay đều đang có mức tăng trưởng tốt như Vĩnh Hoàn, Agifish… Doanh thu quý II/2014 của Vĩnh Hoàn đạt 1.465 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 62 tỉ đồng. Agifish cũng có mức doanh thu tốt với 773 tỉ đồng và lợi nhuận đạt mức 11 tỉ đồng. Nhưng cũng từ những con số cho thấy, mặc dù vẫn tăng trưởng về doanh thu tốt nhưng mấy năm gần đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra đang giảm; phần lớn là do khó khăn chung của thị trường, một phần do các nhà nhập khẩu lo sợ rủi ro nên chỉ chấp nhận mua cá ở mức giá thấp.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký của VASEP, cho biết doanh nghiệp thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn. Những doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp như trên hầu hết do “gánh” nhiều chi phí tài chính. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn tồn tại được thì hầu như chỉ hoạt động 50% công suất nhà máy.
Tiếp tục và lan tỏa?
Từ Mỹ, ông Lâm Ngọc Khuân, Tổng Giám đốc của Công ty Thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng) viết tâm thư gửi về cho lãnh đạo Công ty cũng như các ngân hàng với mong muốn giao lại Công ty cho ngân hàng để tái cơ cấu. Đó là thời điểm cuối năm 2012, khi Phương Nam đang là con nợ của 8 ngân hàng với hơn 1.600 tỉ đồng.
Trong lúc Phương Nam chưa được giải quyết thì ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thủy sản Thiên Mã (Cần Thơ) cũng phải cầu cứu để được cơ quan chức năng khoanh nợ. Tổng số nợ được Công ty đưa ra là 550 tỉ đồng, trong đó 110 tỉ đồng nợ ngắn hạn là mất khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, câu chuyện đứng bên bờ vực phá sản một vài năm trước của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Cần Thơ) cũng một thời gian gây nhiều khó khăn cho ngân hàng và phải tái cơ cấu suốt một thời gian dài.
Những doanh nghiệp này từng là niềm tự hào của ngành thủy sản và đều được xem là các “đại gia” trong ngành.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng sai mục đích dẫn đến tình trạng nợ vay là chi phí trả lãi bị mất kiểm soát.
Gần đây nhất, giữa năm 2013, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sông Hậu (Cần Thơ) cũng bất ngờ thông báo thua lỗ 70,5 tỉ đồng. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc rút ngân quỹ của lãnh đạo.
Vừa qua, cổ phiếu của Công ty Việt An cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát đặc biệt vì tình hình kinh doanh trong 3 quý liên tiếp thua lỗ. Do doanh thu sụt giảm mạnh, đồng thời bán hàng dưới giá vốn đã khiến cho Việt An ngậm ngùi thua lỗ hơn 45 tỉ đồng trong quý III vừa qua. Như vậy, Việt An đã có 3 quý lỗ liên tục với số lỗ lũy kế tính từ đầu năm đến nay là gần 157 tỉ đồng.
Mặc dù đưa ra lợi nhuận năm nay đạt khoảng 6 tỉ đồng, nhưng con số thua lỗ đang ngày càng đưa Việt An đi xa kế hoạch đề ra. Hiện chi phí lãi vay là nguyên nhân chính khiến cho Việt An bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính sách vay ngắn hạn đang khiến Việt An phải trả giá.
Tổng nợ của Công ty là 1.282 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn hơn 1.278 tỉ đồng, chiếm tới 99,7% các khoản nợ. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền luôn ở mức thấp với 40,3 tỉ đồng tính tại thời điểm cuối quý I/2014. Mặc dù từng là công ty lớn trong ngành cá tra, nhưng có lẽ Việt An cũng chung số phận như các doanh nghiệp thủy sản khác hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản. Xu hướng của cuộc thanh lọc trong ngành thủy sản được dự báo vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2015.
Bên cạnh những công ty đã có tên tuổi, nhiều công ty thủy sản khác trên thị trường cũng đang gặp khó khi âm thầm ngừng hoạt động. Ví dụ, từ tháng 8.2011, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Khang đã phải rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng vì khoản thua lỗ 370 tỉ đồng và vị Giám đốc lại vướng vào vòng lao lý. Một số doanh nghiệp thua lỗ nặng phải sang tên đổi chủ như Công ty Việt Hải, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chế biến Minh Châu, Công ty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chế biến Thủy sản Ngọc Châu… và hàng loạt những cái tên khác đã không còn xuất hiện trên thị trường.
Theo Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư