Khi trụ sở Hải quan thưa vắng!
Những ngày cuối năm, có dịp rảo qua nhiều đơn vị Hải quan ngoài cửa khẩu ở những địa bàn có hoạt động XNK sôi động như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… chúng tôi thấy điểm khác lạ so với lệ thường các năm. Thông thường, dịp cuối năm - thời điểm tới tấp của những đơn hàng XNK cũng là dịp “đầu tắt mặt tối” đối với nhiều đơn vị Hải quan. Năm nay, nền kinh tế đang trên đà hồi phục và hoạt động của các DN cũng trở nên sôi động hơn, vậy mà sao trụ sở nhiều đơn vị Hải quan (cũng là địa điểm làm thủ tục) có địa bàn quản lí tập trung đông DN như nêu trên lại có không khí đìu hiu đến lạ? Đem thắc mắc này trao đổi với đại diện các đơn vị, chúng tôi đều nhận được chung một đáp án: Hầu hết các thủ tục đã được tiếp nhận, xử lí, phản hồi kết quả tự động và trực tuyến nên việc giao dịch trực tiếp của DN tại cơ quan Hải quan giảm rất nhiều so với trước đây, đặc biệt từ khi ngành Hải quan chính thức trển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS…
Lãnh đạo Đội Nghiệp vụ (Chi cục Hải quan Hải Dương, Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: Năm 2014, đơn vị có khoảng 150 DN thường xuyên làm thủ tục. Các loại hình chủ yếu là gia công, sản xuất XK, chế xuất, tổng số tờ khai trung bình 700 tờ/ngày. Nhờ thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS nên dù bộ phận tiếp nhận tờ khai chỉ có 8 CBCC nhưng vẫn đảm bảo công việc trôi chảy. Bởi việc tiếp nhận, cấp số, phân luồng, tính thuế cho tờ khai… đều được Hệ thống tự động thực hiện và phản hồi kết quả cho DN.
Tại Đội Thủ tục hải quan KCN Yên Phong thuộc Chi cục Hải quan Bắc Ninh (Cục Hải quan Bắc Ninh)- đơn vị trực tiếp làm thủ tục cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và các DN vệ tinh với lượng tờ khai lên đến hàng trăm nghìn bộ/năm, tổng giá trị kim ngạch XNK hàng chục tỉ USD, vậy mà cũng chỉ có 7 CBCC. Lãnh đạo đơn vị tâm sự: Để giải quyết tốt lượng công việc khổng lồ như trên một cách suôn sẻ trong khi số lượng CBCC có hạn, chính là nhờ áp dụng thủ tục hải quan điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS. Nhiều lần có dịp về đây công tác, chúng tôi chưa khi nào bắt gặp hình ảnh DN phải chờ đợi để làm thủ tục hải quan dù trong những thời gian cao điểm…
Doanh nghiệp hài lòng
Sẽ là phiến diện nếu chúng tôi không ghi nhận những ý kiến trực tiếp từ cộng đồng DN. Còn nhớ, tháng 8-2014, một thông tin trên Báo Hải quan gây được sự chú ý đặc biệt với cộng đồng DN và cả với các nhà lãnh đạo, đó là hiệu quả thực hiện VNACCS/VCIS thông qua những con số đong đếm rất cụ thể của một DN FDI Nhật Bản. Trưởng phòng XNK Công ty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam (KCN Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) Yu Tomita cho biết: Từ khi áp dụng VNACCS/VCIS, việc khai báo và nhận kết quả đối với mỗi tờ khai của DN chỉ còn khoảng vài giây thay vì khoảng 2 phút như trước. Với số tờ khai hàng tháng rất lớn nên tính ra thời gian cắt giảm của DN lên đến 6.213 phút/tháng. Theo tính toán của Công ty, những tiện ích của Hệ thống VNACCS/VCIS giúp tiết kiệm số tiền 12.660 USD/tháng.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng XNK của Công ty Yusen Logistics tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) Đoàn Xuân Tiệp cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics và thực hiện thủ tục khai báo hải quan cho khoảng 100 DN, trong đó phần lớn là DN FDI của Nhật Bản, với những khách hàng lớn như Canon, Toyota, Honda… Ở khu vực miền Bắc, Công ty có 10 phòng XNK như tại KCN Quế Võ, với tổng số tờ khai hải quan từ 300 đến 400 bộ/ngày. Trong đó, Phòng XNK tại KCN Quế Võ có quy mô lớn nhất với 20 khách hàng và mở khoảng 120 bộ tờ khai/ngày. Qua việc thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS thời gian nhận kết quả (được cấp số tờ khai và phân luồng) rất nhanh. Tờ khai luồng Xanh chỉ vài giây là đã được thông quan. Trường hợp tờ khai luồng Vàng, luồng Đỏ thời gian nhận kết quả cũng nhanh, việc thông quan lô hàng chỉ phụ thuộc vào thời gian kiểm tra hồ sơ và hàng hóa của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, phần lớn tờ khai của đơn vị thuộc luồng Xanh.
Không chỉ hưởng lợi từ VNACCS/VCIS, nhiều DN XNK làm thủ tục tại Cục Hải quan Hải Phòng cũng đánh giá cao việc áp dụng mã vạch trên tờ khai hải quan. Chị Nguyễn Thanh Dung - Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ XNK Thành Đạt tại Hải Phòng cho biết: DN thường xuyên làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III (đơn vị đầu tiên thí điểm sử dụng mã vạch trên tờ khai từ ngày 20-10-2014). Trung bình Công ty mở khoảng 4 tờ khai NK/ngày (tổng cộng có 4 hoặc 5 container). Từ khi Tổng cục Hải quan và Hải quan Hải Phòng có chủ trương sử dụng mã vạch, Công ty rất tích cực tham gia. Việc sử dụng mã vạch là bước cải tiến rất lớn trong quy trình thủ tục hải quan ở cửa khẩu. Bởi trước đây, để thực hiện thủ tục liên quan đến giám sát hải quan ở cửa khẩu, DN phải trải qua 2, 3 bước làm việc với Đội Giám sát cổng cảng, kho bãi trước khi đưa hàng ra khỏi cảng. Nhưng với tờ khai có mã vạch, các thông tin được tích hợp nên DN chỉ cần in tờ khai và xuất trình cho cán bộ hải quan giám sát ở cổng cảng. Tại đây, công chức hải quan sử dụng thiết bị đọc mã vạch nên việc kiểm tra dữ liệu cũng rất nhanh. Khi dữ liệu trên tờ khai thống nhất với hệ thống của cơ quan Hải quan, lô hàng sẽ được đưa ra khỏi cảng.
Mệnh lệnh từ cuộc sống
Như đề cập ở trên, tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan là quá trình liên tục trong nhiều năm, tuy nhiên guồng quay mạnh mẽ với quyết tâm cao độ của ngành Hải quan đã giúp cho năm 2014 tạo lập được nhiều dấu ấn. Sự nỗ lực này cũng xuất phát từ chính những đòi hỏi thực tiễn từ cuộc sống và cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Xin đưa ra đây một ví dụ điển hình, đó là, tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Tổng cục Hải quan (ngày 9-7-2014), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận cố gắng và những kết quả tích cực của ngành Hải quan trong công tác cải cách, hiện đại hóa. Nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn đặt một yêu cầu mạnh mẽ hơn nữa đó là phải quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp để Việt Nam sớm đạt được thời gian thông quan hàng hóa ngang bằng các nước ASEAN-6. Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Hải quan lập tức xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết với 13 nhóm giải pháp và mục tiêu cụ thể như: Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia; xây dựng Đề án thống nhất quản lí tại cửa khẩu (đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành); tăng cường phối hợp thu NSNN; đo thời gian giải phóng hàng; thực hiện ứng dụng mã vạch trên tờ khai hải quan phục vụ công tác giám sát hải quan…
Trưởng Phòng Giám sát quản lí hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) Trần Đình Đức chia sẻ: Chỉ trong một thời gian ngắn (vài tháng) mà một chủ trương lớn đã được cụ thể hóa và bước đầu khẳng định hiệu quả trong thực tiễn. Để đạt được kết quả đó, đội ngũ CBCC Hải quan Hải Phòng và các đơn vị liên quan ở Tổng cục Hải quan như Cục CNTT & Thống kê Hải quan; Cục Giám sát quản lí về hải quan… gần như thực hiện một cuộc chạy nước rút. Bởi ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong thực hiện mã vạch rất rõ ràng, quyết liệt như một “mệnh lệnh” chứ không đơn thuần là chỉ đạo mang tính hành chính.
Và có lẽ chính nhờ những “mệnh lệnh” như vậy mà năm 2014, ngành Hải quan đã ghi dấu ấn với nhiều kết quả ấn tượng trong cải cách, hiện đại hóa hải quan và được cộng đồng DN ghi nhận như: Triển khai thành công VNACCS/VCIS; Cơ chế một cửa quốc gia; hiện đại hóa trong công tác thu nộp NSNN; khởi điểm ứng dụng mã vạch trên tờ khai hải quan; hoàn thiện Chương trình DN ưu tiên và đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp…
Theo báo Hải Quan