Bắt đầu từ tháng 1/2018, theo dự thảo quy định của Liên minh châu Âu (EU), các chủ tàu lớn thường xuyên ra vào cảng biển tại châu Âu sẽ phải đo kiểm tra và thông báo lượng khí thải carbon hàng năm.
Hướng tới lợi ích kinh tế và môi trường
Liên minh châu Âu tin rằng, hệ thống theo dõi đánh giá khí thải carbon sẽ đem lại nhiều lợi ích mang tính kinh tế và môi trường cho nền công nghiệp vận tải đường biển. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho biết, đây chỉ là một phần trong kế hoạch tổng thể liên quan đến thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu.
Ông Connie Hedegaard, Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách hoạt động thay đổi khí hậu trong một tuyên bố mới đây cho biết: “Hệ thống đánh giá của châu Âu sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế và môi trường cho lĩnh vực kinh doanh vận tải đường biển thông qua việc tăng tính minh bạch trong vấn đề cắt giảm khí thải, đồng thời có những biện pháp khuyến khích chủ tàu chủ động cắt giảm”.
Đề xuất áp dụng cắt giảm khí thải với vận chuyển hàng hải vào tháng 1/2018 chắc chắn sẽ là chủ đề gây tranh cãi trong một thời gian dài và phải nhận được sự đồng thuận của từng quốc gia thành viên châu Âu được Hội đồng châu Âu thông qua trước khi chính thức trở thành quy định pháp luật.
Những đề xuất này sẽ tạo ra khung pháp lý cho vấn đề thu thập và công bố các số liệu liên quan đến lượng khí thải CO2 hàng năm của tất cả các tàu lớn ra vào các cảng trên toàn châu Âu, không phân biệt quốc tịch. Số lượng khí thải ước tính hiện tại là hơn 5 nghìn tấn.
Những chủ tàu như AP Moller - Maersk A/S của Đan Mạch, tập đoàn đứng sau nhà điều hành kinh doanh vận tải container lớn nhất thế giới cũng sẽ bị yêu cầu phải cung cấp nhiều thông tin khác nhau như những số liệu cần thiết để xác định hiệu suất sử dụng năng lượng của tàu.
Gây tranh cãi
Hội đồng châu Âu tuyên bố, hệ thống giám sát khí thải trên toàn châu Âu sẽ yêu cầu chủ tàu cắt giảm ít nhất 2% lượng khí thải cho mỗi hành trình. Tuy nhiên, những tranh cãi việc làm sao có thể giảm mức khí thải từ hoạt động vận chuyển hàng hải, hiện đang xả ra lượng khí thải nhà kính chiếm 3% tổng lượng khí thải toàn cầu và 4% ở châu Âu này, đã kéo dài nhiều năm nay mà chưa có được bất cứ tiến bộ nào.
Nếu không có hành động cụ thể, theo ước tính của các chuyên gia môi trường và kinh tế, tới năm 2050, khí thải carbon từ vận tải đường biển sẽ tăng hơn gấp đôi hiện nay do nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng lên.
Những cuộc thảo luận sơ bộ giữa các quốc gia EU và đại diện ngành công nghiệp vận tải đường biển đã đạt được những lựa chọn chủ chốt về khí thải trong chương trình mua bán khí thải. Tuy nhiên, có rất ít cơ hội để có thể thực hiện kế hoạch hạn chế trong ngắn hạn, do những phản đối quốc tế và mối đe dọa về chiến tranh thương mại leo thang.
Trước đó, có một quyết định tương tự liên quan đến mở rộng chương trình trao đổi khí thải áp dụng đối với các chuyến bay đến/đi từ mọi sân bay thuộc EU bị phản đối. Kết quả, EU đã phải nhượng bộ, tạm dừng tính phí khí thải đối với các chuyến bay quốc tế trong vòng một năm để Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) có cơ hội chuẩn bị những lựa chọn thay thế tốt hơn.
Nhà máy đóng tàu Hyundai Mipo Hàn Quốc vừa đặt hàng hệ thống làm sạch khí thải (EGCS) của Clean Marine (Na Uy) để trang bị cho hai tàu chở dầu tầm trung mới, nhằm thực hiện đúng theo các quy định mới về khí thải lưu huỳnh không vượt quá 0,1% trong các khu vực kiểm soát phát thải (ECAs) từ tháng 1/2015, mà không cần chuyển sang nhiên liệu đắt tiền hơn.
Tổng giám đốc Clean Marine - Nils Hoy-Petersen cho biết: “Các hợp đồng này khẳng định, nhu cầu thị trường về EGCS của Clean Marine đang tăng, nhất là ở phân khúc tàu dầu, giúp các chủ tàu tuân thủ các quy định phát thải hiện tại và sắp có hiệu lực”. Các EGCS được thiết kế cho phép các tàu kinh doanh ở tất cả các vùng nước và các cảng theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và luật địa phương.
|
Theo Giao thông vận tải