Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2015 là 165 tỷ USD, trong hai tháng cuối năm, xuất khẩu bình quân phải đạt khoảng 15 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, việc phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu năm nay chỉ là nhiệm vụ trước mắt. Điều quan trọng là phải phấn đấu có một cơ cấu xuất khẩu bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Chuyển từ lượng sang chất
Mặc dù xuất khẩu cả năm có thể đạt mục tiêu 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014, nhưng Bộ Công Thương cũng nhìn nhận cơ cấu xuất khẩu hiện còn nhiều bất cập. “Chỉ riêng mặt hàng điện thoại di động của Công ty Samsung Việt Nam hiện đã chiếm đến 20% kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Giả dụ xảy ra chuyện máy bị lỗi, phải thu hồi trên toàn cầu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn chứng.
Thực tế, hiện nay, cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của ta đang có sự mất cân đối khi khối doanh nghiệp (DN) FDI chiếm đến 2/3 sản lượng xuất khẩu. Do đó, ông Hải cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các mặt hàng khác có nhiều tiềm năng chứ không nên quá phụ thuộc vào một số mặt hàng nào đó. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực xuất khẩu cho các ngành hàng và DN trong nước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc xuất khẩu tăng phụ thuộc vào số lượng thay vì chất lượng cũng là một vấn đề. Các DN trong nước đang tập trung xuất khẩu ở một số mặt hàng như dệt may, da giầy, chế biến thủy hải sản, đồ gỗ… vốn phụ thuộc nhiều vào tăng lượng xuất khẩu nên thiếu bền vững. Lý do là các ngành hàng xuất khẩu vẫn mang tính gia công cao, sản phẩm xuất khẩu chưa đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. “Cần những giải pháp tạo ra sự chuyển dịch hợp lý hơn về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đầu tư nhiều hơn để tạo thương hiệu cho sản phẩm nhằm đem lại giá trị gia tăng cao hơn”, ông Hải nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, DN phải chú trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. “Quan trọng vẫn là năng lực và chiến lược dài hạn của DN trong việc xây dựng thương hiệu dựa trên giá thành sản xuất, chất lượng sản phẩm, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường. DN phải định vị lại năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm, xây dựng chiến lược thị trường hài hòa dựa trên năng lực sản xuất, kinh doanh của mình”, Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh việc tìm các sản phẩm mới để xuất khẩu, việc tìm thị trường mới cũng rất quan trọng. Nhìn lại trước đây, khi EU áp thuế chống bán phá giá đối với giày dép Việt Nam thì giày xuất khẩu sang EU đã giảm đến 70- 80%. Vì vậy, với việc Việt Nam mở rộng tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, thì cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu đang rất thuận lợi.
Gỡ khó về cơ chế, chính sách
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ. Về phía Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu đã có nhiều động thái nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho DN như cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet, phối hợp triển khai cơ chế một cửa quốc gia trên phạm vi 9 Bộ để kết nối trao đổi dữ liệu…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, do sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, cộng đồng DN vẫn cần có thêm những chính sách để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex (chuyên về xuất khẩu nông sản: cà phê, tiêu, gạo, tinh bột sắn…) chia sẻ: Chính sách thuế VAT, thuế thu nhập DN còn nhiều bất cập. “Từ ngày 1/1/2014, nhà nước ngừng thu thuế VAT xuất khẩu hàng nông sản nhưng các DN bị cơ quan thuế thu giữ tiền thuế rất lâu và chưa trả thuế cho DN đến nay khoảng 70 tỷ đồng”, ông Nam nói.
Ông Đỗ Hà Nam cũng cho biết: Tỷ giá USD/VND được giữ ổn định không quá 2% làm cho hàng nông sản xuất khẩu của nước ta không cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác do các nước đang có xu hướng giảm giá đồng nội tệ thấp hơn nhiều so với đồng USD để hỗ trợ xuất khẩu. Ví dụ, lượng xuất khẩu năm 2015 của mặt hàng cà phê giảm mạnh một phần do Brazil và Indonesia đã giảm giá mạnh đồng nội tệ khiến giá cà phê của họ giảm trên 30%.
Đồng tình với việc nhà nước cần có điều hành tỷ giá hợp lý để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thống Nhất cũng đề nghị các cơ quan thuế cần xem xét miễn thuế cho các linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Để giảm bớt chênh lệch giữa tỷ trọng xuất khẩu giữa các DN FDI và DN trong nước, ông Đỗ Hà Nam đề xuất: “Nhà nước nên ưu tiên các DN FDI trong lĩnh vực chế biến sâu, công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam, đồng thời hạn chế các DN FDI chuyên thương mại và chế biến thô hàng nông sản, thủy sản để tránh việc tranh bán tranh mua với các DN trong nước do DN FDI đã có lợi thế về thị trường ngoài nước, vốn, lãi suất…”.
Theo Báo Tin tức - TTXVN