|
Nhiều chuyên gia nhận định nếu có những nỗ lực và đổi thay thực sự trong vấn đề chất lượng, minh bạch thông tin, cá tra Việt Nam hoàn toàn có thể nâng thị phần XK vào EU trong thời gian tới.
Cả năm “chật vật”
Suốt từ đầu năm đến nay, XK cá tra gặp khá nhiều khó khăn khi sụt giảm tại hầu hết thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil. XK chủ yếu tăng tại thị trường “dễ tính” nhưng thiếu ổn định là Trung Quốc. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo: Giá trị XK cá tra trong quý III và quý IV năm 2015 đạt 950 triệu USD. Với xu hướng này, XK cá tra cả năm có thể đạt khoảng 1,7 tỷ USD, thấp hơn 4% so với mức 1,77 tỷ USD năm 2014.
Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp) là DN XK cá tra lớn nhất cả nước, chiếm 15% tổng giá trị XK. Tại hội thảo “Phát triển cá tra bền vững tại Việt Nam - Các phân tích và khuyến nghị về chính sách” do Dự án Xây dựng Chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinh Hoan Corp đánh giá: 2015 là một năm khó khăn cho tất cả DN XK cá tra. Hiện nay, ngay thời điểm trái vụ mà cả chuỗi giá trị sản xuất cá tra đều không có lãi. Nhà máy chế biến gặp rất nhiều khó khăn trong khi giá cá tra nguyên liệu liên tục chạm đáy.
Năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK cá tra với những quy định khá chặt chẽ, khắt khe về chất lượng.
Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra theo hướng vừa đáp ứng được yêu cầu vừa tạo thuận lợi hơn cho DN XK. |
Theo ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Dự án SUPA: Suốt từ năm 2002 đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2002-2009, ngành chế biến, XK cá tra phát triển khá nóng nên hiện đang phải đối mặt với một số vấn đề nổi cộm như chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất. Bằng chứng là đối với cùng một loại sản phẩm nhưng ở mỗi DN khác nhau, chất lượng đã khác nhau khá nhiều. Bên cạnh đó, nền sản xuất cá tra thiếu bền vững, chi phí sản xuất như điện, nước, thức ăn ngày một gia tăng…
Là thị trường XK cá tra hàng đầu của Việt Nam nhưng thời gian qua XK cá tra sang EU cũng không thoát khỏi cảnh chật vật. Chuyên gia EU-TS. Siefried Bank cho biết, đến nay EU vẫn đang và sẽ là thị trường quan trọng đối với cá tra Việt Nam. Sản phẩm cá tra thịt trắng, không tanh, giá trị dinh dưỡng cao, giá cả hợp lý đang chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng EU. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, cá tra Việt Nam bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các loài cá thịt trắng như: Cá tuyết cod, cá haddock, cá minh thái Alaska, cá hake... Đặc biệt, tình trạng bơm nước vào cá để tăng trọng lượng cũng như bị truyền thông “bôi bẩn” đã khiến giá trị XK cá tra của Việt Nam vào EU giảm mạnh. “Thời gian qua, video do người tiêu dùng EU đăng tải có một số thông tin chưa chuẩn xác bôi nhọ hình ảnh cá tra của Việt Nam đã được truyền thông lấy lại, thông tin rầm rộ. Điều này ngay lập tức đã khiến thị phần cá tra Việt Nam trên thị trường EU sụt giảm mạnh. Giá cá tra Việt Nam tại thị trường NK cá tra giá cao như Đức hay thị trường NK giá rẻ như Ba Lan, Pháp… đều giảm. Trong vấn đề này, điều quan trọng là mặc dù thông tin đăng tải không chính xác nhưng các DN Việt Nam không đủ năng lực để phản bác lại”, TS. Siefried Bank nhấn mạnh.
Minh bạch thông tin
TS. Siefried Bank cho rằng, XK cá tra Việt Nam vào thị trường EU hoàn toàn có thể tăng từ 19% như hiện nay lên 40% tổng giá trị XK cá tra trong những năm tới. Muốn làm được điều này, Nhà nước, các DN cần có những chiến lược marketing thương hiệu tốt, hoạch định rõ phân khúc thị trường, hướng đến các thị trường giá cao, chất lượng cao, bảo đảm sự công khai, minh bạch thông tin trên bao bì…
Điển hình như trong vấn đề quy định tỷ lệ mạ băng cá tra XK của Việt Nam, thực chất các nhà NK EU không quá quan tâm, điều họ quan tâm là sự minh bạch về thông tin của sản phẩm mà DN đưa ra. Điều này nghĩa là sản phẩm có như thế nào thì DN XK cung cấp thông tin chính xác như vậy, mạ băng ra sao, bao nhiêu nước được bơm vào cá… Ví dụ, nếu cá tra XK được bơm nước với tỷ lệ vượt quá 5% khối lượng tịnh của cá thì nhà XK phải ghi rõ ràng để nhà NK cũng như người tiêu dùng nắm được. Sự “mập mờ”, thiếu minh bạch thường khiến người tiêu dùng lo lắng, lăn tăn về chất lượng cá.
Bên cạnh vấn đề minh bạch thông tin, theo TS. Siegfried Bank, để trụ vững ở thị trường EU, DN XK cá tra cũng cần phân định rõ sản phẩm cho từng phân khúc thị trường. Ví dụ như, thị trường cao cấp tại EU đa phần không thích chất phụ gia trên cá phi lê. Cá tra không qua xử lý hoặc cá tra chế biến có thể giành thị phần mang lại giá trị cao hơn nữa nếu có sự khác biệt về chất lượng và thương hiệu. “Đặc biệt các nhà XK phải chú ý, không có sản phẩm nào vào được thị trường cao cấp với nhãn mác in sai (vì vậy nhãn và tờ khai phải được ghi chính xác). Sản phẩm chất lượng cao sẽ được ưu tiên chọn lựa hơn nếu được gắn với một câu chuyện, chẳng hạn sản phẩm được giới thiệu gắn với vùng sinh thái (câu chuyện marketing). Tất cả sự khác biệt của sản phẩm đối với từng phân khúc thị trường phải được minh bạch hóa để người tiêu dùng có quyền nắm bắt thông tin trước khi đưa ra quyết định lựa chọn”, TS. Siegfried Bank nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề làm thế nào để đảm bảo sự phát triển vững bền cho ngành chế biến, XK cá tra, theo bà Khanh, EU là thị trường đòi hỏi chất lượng cao nhất nên Nhà nước cần lấy thị trường này làm thị trường điểm để xác lập lại chất lượng sản phẩm cá tra XK không phụ gia, từng bước khôi phục lòng tin của người tiêu dùng tại khu vực này rồi từ đó lan tỏa sang các thị trường khác. Tuy nhiên, để xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm cá tra mang tầm quốc gia Nhà nước cần có những chính sách xúc tiến, quảng bá hiệu quả hơn, đồng thời DN cũng phải có những chiến lược marketing sản phẩm phù hợp. Bà Khanh kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có sự đầu tư, quan tâm nhiều hơn tới chất lượng con giống, tỷ lệ cá sống trong sản xuất cá tra.
Theo Bộ NN&PTNT, tính tới hết tháng 10, diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm dần. Nhiều hộ nuôi đã chuyển sang hướng liên kết với các DN hoặc nuôi gia công cho DN thay vì tự đầu tư nuôi.
Trong tháng 10, thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL không có nhiều biến động, giá giữ ở mức thấp và nhu cầu yếu. Tại Cần Thơ, nhu cầu cá tra nguyên liệu trong size 650 - 850 gr/con nhích lên một chút so với tháng trước, ở mức 19.500 - 20.000 đồng/kg (trả chậm) so với 19.200 - 19.500 đồng/kg của tháng trước. Tại Đồng Tháp, cá tra nguyên liệu trong size 700 gr/con ở mức 19.400 - 19.600 đồng/kg (trả chậm) nhưng nhu cầu yếu. Tại An Giang, giá cá tra nguyên liệu size 700 gr/con ở mức 20.000 - 20.500 đồng/kg (trả chậm). |
Theo Báo Hải Quan
|