Thế giới sẽ chứng kiến một làn sóng phát triển thương mại mới trong giai đoạn từ năm 2015-2050, và trong làn sóng này Việt Nam sẽ tăng cường vị thế và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 10 của thế giới vào năm 2050.
Đó là dự báo của Ngân hàng HSBC trong báo cáo mang tên “Những làn gió Thương mại” được công bố ngày 24/11/2015.
Theo báo cáo này, HSBC nhận định Châu Á sẽ châm ngòi cho 1 thập kỷ tăng trưởng thương mại toàn cầu và là điểm khởi đầu cho việc thúc đẩy xuất khẩu của thế giới tăng gấp bốn 4 lên 68,5 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Thương mại nội vùng chính là động lực giúp Châu Á tăng thị phần xuất khẩu của khu vực từ mức 17% hiện tại lên 27% vào năm 2050. Mức tăng mạnh này cũng đánh dấu làn sóng toàn cầu hóa thứ ba với yếu tố thúc đẩy chính là công nghệ mới và sự hội nhập kinh tế đang ngày càng tăng.
Ông Paul Skelton, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của HSBC, đánh giá: “Vị thế hàng đầu của Châu Á trong sáng tạo công nghệ và chuỗi cung ứng đưa tới cho khu vực cơ hội duy nhất để hưởng lợi từ làn sóng toàn cầu hóa này”.
Một bản báo cáo do Oxford Economics thực hiện theo yêu cầu của HSBC cho thấy mạng lưới các công ty đa quốc gia quy mô nhỏ linh hoạt tự tạo ra các chuỗi giá trị của mình sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự phồn thịnh, hứa hẹn đưa các quốc gia ra khỏi đói nghèo và nâng cao mức sống của người dân trên toàn thế giới.
“Nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo trong vài năm tới. Khi đó vai trò đầu tàu thúc đẩy sẽ là công nghệ số với vai trò làm giảm các hàng rào thương mại quốc tế, cải thiện giao lưu giữa các nền văn hóa, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp, tạo lập nền móng cho một nền kinh tế toàn cầu luôn luôn sôi động”, theo bản báo cáo.
Báo cáo “Những làn gió thương mại” của HSBC nhìn lại lịch sử để tìm hiểu những yếu tố thúc đẩy thương mại toàn cầu trong 150 năm qua, phân tích cách thức những yếu tố này tác động tới thế giới hôm nay và dự báo những thay đổi trên thế giới trong tương lai. Báo cáo cung cấp những thông tin thực tiễn và những gợi ý chính sách cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới, giúp họ lập kế hoạch dài hạn tới năm 2050.
Theo phân tích, bản báo cáo nhận diện ra 3 làn sóng phát triển của thương mại toàn cầu, với làn sóng đầu tiên từ năm 1865 tới năm 1913, làn sóng thứ hai từ năm 1950 tới năm 2007 và làn sóng thứ ba từ năm 2015 tới 2050.
Bản đồ thương mại thế giới được xác lập bởi làn sóng toàn cầu hóa thứ ba này có thể sẽ rất khác với bản đồ hiện tại, khi sự dịch chuyển nhân khẩu và nắm bắt các cơ hội kinh tế - với gần 3 tỷ người gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2050 và phần lớn xuất phát từ các thị trường mới nổi – sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn trong các hình thái thương mại.
Thị phần của kc Châu Á-Thái Bình Dương trong xuất khẩu toàn cầu được dự báo tăng từ mức khoảng 1/3 năm 2015 lên 46% vào năm 2050. Thị phần của Tây Âu được dự báo sẽ giảm từ 34% xuống 22%, và của Bắc Mỹ giảm từ 11% xuống 9%.
“Trong làn sóng toàn cầu hóa thứ ba này, Việt Nam sẽ tăng cường vị thế và trở thành nước xuất khẩu lớn thứ mười của thế giới vào năm 2050, với giá trị xuất khẩu đạt 1.437 tỷ đô la Mỹ, bên cạnh các quốc gia Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Pháp, Nhật Bản và Singapore,” báo cáo của HSBC viết.
Trung Quốc sẽ tiếp tục vị trí “quán quân” trong xuất khẩu của thế giới, với sự ảnh hưởng ngày càng tăng tại Châu Á nhờ sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ và dưới ảnh hưởng của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB).
Ấn Độ cũng sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh và được dự báo sẽ vượt tốc độ của Trung Quốc. HSBC dự báo xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ sẽ tăng trưởng trung bình 6%/năm trong giai đoạn 2025–2050, cao hơn mức chưa tới 5%/năm của Trung Quốc.
Bản báo cáo cũng xác định 4 động lực thương mại sẽ thúc đẩy cơ hội cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày hôm nay và trong tương lai, gồm tốc độ phát triển công nghiệp hóa và sự dịch chuyển sang phục vụ theo nhu cầu; giá vận tải và logistic giảm mạnh; chính sách thương mại ngày càng tự do hóa; và sự trỗi dậy của những mô hình kinh doanh linh hoạt hơn.
“Trong vòng 35 năm nữa, 4 động lực thương mại này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy mới nhằm giúp các công ty phát triển và cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu ngày càng biến động và phát triển nhanh,” báo cáo viết.