Gạo lứt đồ và gạo đồ của Vinh Phát được bán với giá lần lượt là 30.000 đồng/kg và 28.000 đồng/kg.
Bên dòng hạ lưu sông cửu long, những chiếc tàu trăm tấn đang nằm chờ nhận hàng từ nhà máy gạo đồ của Công ty Vinh Phát, vốn được đầu tư 10 triệu USD và có công suất 600 tấn/ngày. Bên cạnh gạo trắng truyền thống, gạo đồ và gạo lứt đồ đang trở thành những mặt hàng xuất khẩu mới mang lại giá trị gia tăng của Việt Nam.
Cuối năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên đã có những lô hàng gạo đồ xuất khẩu, là sản phẩm của Vinh Phát. Do nhà máy chế biến gạo đồ đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ cao hơn nhiều so với gạo trắng, sân chơi này mới chỉ có thêm sự góp mặt của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), đã liên doanh cùng 2 đơn vị nước ngoài là Auro Capital và Phoenix Commodities để đầu tư nhà máy giai đoạn đầu trị giá 15 triệu USD. Ngoài ra còn có một công ty Thái Lan đầu tư nhà máy chế biến gạo đồ tại Tiền Giang.
Theo một chuyên gia của Vinafood 2 đánh giá, Việt Nam hiện có ưu thế so với 2 nước xuất khẩu gạo đồ lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Thái Lan, bởi gạo đồ Việt Nam có chất lượng tốt, nhiều chủng loại và hạ tầng phục vụ xuất khẩu được cải thiện hơn trước. “Do đó, giá bán mặc dù không thực sự thấp hơn, nhưng gạo đồ Việt Nam có khả năng giao hàng khá ổn định nên cũng cạnh tranh hơn rất nhiều so với Ấn Độ và Thái Lan”, vị này nói.
Bà Trần Kim Lý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinh Phát, cho biết thị trường tiêu thụ mạnh gạo đồ là các nước Tây Phi, Nam Phi và Nga. Thị trường nội địa mới chỉ tiêu thụ 1-2% sản lượng gạo lứt đồ và gạo đồ của Công ty, chủ yếu ở miền Nam.
Gạo lứt đồ và gạo đồ của Vinh Phát được bán với giá lần lượt là 30.000 đồng/kg và 28.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi năm doanh nghiệp này xuất ra thị trường thế giới từ 50.000-75.000 tấn gạo đồ, chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng gạo đồ thế giới.
“Việc kinh doanh gạo lệ thuộc nhiều vào tâm lý người tiêu dùng. Người Việt chưa thực sự đón nhận loại gạo này. Vì thế, sau hơn 5 năm, chúng tôi vẫn còn trong giai đoạn tiếp cận thị trường Việt Nam”, bà Lý nói.
Bên cạnh gạo đồ, Vinh Phát còn có gạo trắng, đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị lớn. Ðại diện Vinh Phát cho biết do thị trường chưa có nhu cầu mạnh nên gạo đồ, gạo lứt đồ của Công ty vẫn chưa tiến vào được 3 hệ thống lớn là Metro, Co.opmart và BigC.
Năm 2013, doanh thu của Vinh Phát đạt 60 triệu USD. Sang năm 2014 và 2015, Công ty cho biết đây là giai đoạn doanh thu nằm ngang. “Ðó cũng là tình hình chung của doanh nghiệp gạo trong nước. Vì thế chúng tôi tạm hài lòng với kết quả đạt được”, bà Lý chia sẻ.
Thực tế, những năm gần đây, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam là khá yếu do Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại. Nhiều doanh nghiệp gạo trong nước đã bị ảnh hưởng và Vinh Phát cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chính việc sản xuất và kinh doanh gạo đồ cũng giúp cho doanh nghiệp này thuận tiện hơn trong việc lên kế hoạch sản xuất. Bởi nhà máy được Vinh Phát đầu tư trước đây có thể sản xuất được cả 2 loại gạo. “Khi tình hình gạo trắng khó khăn sẽ tiết giảm lại để tăng lượng gạo đồ và ngược lại”, bà Lý giải thích.
Theo Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư