|
7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 1,385 tỷ USD, tăng 135,5% so với cùng kỷ năm 2015.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tiêu thụ trái cây có nhiều thuận lợi, số lượng, chủng loại, thị trường và kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng nhanh. Nhiều thị trường mới, khó tính có giá cả cao được mở mới đã khích lệ, thúc đẩy ngành hàng trái cây phát triển trong những năm gần đây như thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài đã vào thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.
Cụ thể, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu rau quả đang có chiều hướng tăng nhanh: Năm 2005, nước ta xuất khẩu đến 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với trên 235 triệu USD; đến năm 2015, đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt 1,838 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014, và tăng 782,13% so với năm 2005 (2005- 2015); trong đó trái cây chiếm trên 70%. Năm 2015 cũng là năm có kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất từ trước đến nay.
7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 1,385 tỷ USD, tăng 135,5% so với cùng kỷ năm 2015.
Ngoài các thị trường truyền thống, chúng ta đã tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand….
Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các loại quả đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch; việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày đang mới giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Thị trường tiêu thụ trái cây ở trong nước là chính, chiếm 85- 90% tổng sản lượng sản xuất, xuất khẩu mới chiếm 10- 15%. Xuất khẩu trái tươi đối với thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa, bưởi, chanh, chuối, xoài…; xuất khẩu dưới dạng chế biến đối với dứa, xoài ở dạng đông lạnh, nước quả…
Vì vậy, theo Cục Trồng trọt, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu trái cây hơn nữa, thời gian tới cần nâng cao chất lượng, tăng cường sản xuất nhiều sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường có nhiều tiềm năng.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam
|