Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, trong năm nay, đơn vị đã đạt lợi nhuận có lãi 3 năm liên tiếp và cắt giảm lỗ khối vận tải biển tới 70%.
Tại buổi làm việc giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với Vinalines về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2018 vào ngày 21/12, theo ước tính của Vinalines, sản lượng vận tải biển đạt hơn 24,3 triệu tấn (tương đương 113,1% kế hoạch), sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 98 triệu tấn (100% kế hoạch), doanh thu đạt 13.850 tỷ đồng (101,6 % kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 348 tỷ đồng.
“Như vậy, sau những nỗ lực trong thực hiện công tác tái cơ cấu tài chính, xử lý tài sản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, tập trung phát triển khách hàng, kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2018 đã đạt được kết quả khả quan, trong đó khối vận tải biển giảm lỗ đến 70%,” ông Tĩnh nhấn mạnh.
Về kế hoạch năm 2019, Vinalines đưa ra mục tiêu sản lượng vận tải biển đạt khoảng 18 triệu tấn, hàng thông qua cảng khoảng 107 triệu tấn, doanh thu khoảng 12.714 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 710 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trong các hoạt động đầu tư, quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo cũng như sử dụng các dịch vụ của nhau.
Đánh giá cao những nỗ lực mà Tổng công ty đã thực hiện trong thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, Vinalines dù gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là những "cú sốc" lớn nhưng dưới sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo Tổng công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
“Tổng công ty khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phải gắn với kế hoạch chung của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thậm chí phải xác định Vinalines đang đứng ở đâu trong Chiến lược phát triển Kinh tế biển mà Đảng và Nhà nước đã đề ra,” ông Hoàng Anh lưu ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị Tổng công ty phải phân nhóm những tồn tại, khó khăn, đưa ra những giải pháp xử lý cụ thể, trong trường hợp cần thiết phải xử lý dứt điểm những tài sản hoặc doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp trong Ủy ban trong 2-3 năm nữa sẽ phát triển hiệu quả, thực sự là những hình ảnh đẹp, có tính dẫn dắt trong nền kinh tế.