Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam có cơ hội mở
rộng hợp tác với các DN nhập khẩu Hàn Quốc, ngày 27/12, văn phòng Cục Xúc tiến
thương mại tại TP. Hồ Chí Minh (Vietrade)đã phối hợp với Hiệp hội Các nhà nhập
khẩu Hàn Quốc (KOIMA) tổ chức “Giao thương trực tuyến Việt Nam – Hàn Quốc”.
Bà Bùi Thị Thanh An - Trưởng đại diện Vietrade tại TP. Hồ Chí Minh cho
biết, đây là mô hình giao thương trực tuyến đầu tiên được Vietrade thử nghiệm
để hỗ trợ DN xuất khẩu tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Với hình thức này,
Vietrade đã liên hệ với KOIMA nhằm tìm hiểu trước thông tin của các nhà nhập
khẩu Hàn Quốc, sau đó lên kế hoạch và mời các DN xuất khẩu quan tâm tới thị
trường này đến làm việc trực tiếp ngay tại Văn phòng của Vietrade. Đã có 30 DN
xuất khẩu tại khu vực phía Nam liên quan đến các lĩnh vực như dệt may, nông
sản, bao bì nhựa, gỗ… tham gia buổi giao thương trực tuyến. Về phía Hàn Quốc,
có 9 DN có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng trên tham gia.
Trong buổi làm việc, các DN có mặt hàng xuất khẩu phù hợp với nhu cầu
của đối tác Hàn Quốc đã trực tiếp trao đổi thông tin với nhau qua email, điện
thoại, gửi sản phẩm qua cho đối tác. “Thông
qua mô hình này, DN sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí và không phải mất thời
gian đi lại để tìm hiểu đối tác. Tuy nhiên, nếu phía đối tác yêu cầu Việt Nam
phải qua trực tiếp để đàm phán hợp đồng thì Vietrade sẽ tổ chức phái đoàn DN
sang Hàn Quốc” - bà An cho biết thêm.
Tại buổi giao thương, ông Trang Sĩ Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ
phần thực phẩm Bích Chi - chia sẻ: Bích Chi đã xuất khẩu sản phẩm qua thị
trường Hàn Quốc được 5 năm với sản lượng từ 2-3 container/tháng, trị giá khoảng
30.000 USD. Dù vậy, con số này còn quá khiêm tốn so với một thị trường đầy tiềm
năng như Hàn Quốc. Ông hi vọng qua lần tiếp xúc với một số đối tác của KOIMA
lần này sẽ tiến tới mở rộng thị trường. Người dân Hàn Quốc có thói quen sử dụng
các sản phẩm trong nước, vì vậy không chỉ Việt Nam mà ngay cả các thương hiệu
nổi tiếng trên thế giới xuất khẩu vào nước này phần lớn sẽ gặp khó khăn. Chính
vì vậy, để xuất khẩu thành công, thay vì phải đối đầu các sản phẩm của Hàn
Quốc, các DN Việt Nam nên tập trung cạnh tranh với các sản phẩm khác mà
Hàn Quốc đang nhập khẩu. Điều quan trọng nhất là các DN Việt Nam nên quan tâm
nhiều hơn đến chất lượng, mẫu mã cũng như bao bì.
Cùng chung ý kiến, ông Đặng Quang Vũ- Trưởng phòng xuất khẩu Tổng công
ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm tới,
các mặt hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của công ty sang một số thị trường tại
EU sẽ gặp nhiều khó khăn nên việc xúc tiến mở rộng thêm thị trường mới lúc này
là điều rất cần thiết. Tuy thị trường Hàn Quốc rất khó tính nhưng không vì thế
mà công ty bỏ qua cơ hội làm việc với đối tác đang có nhu cầu tìm kiếm nhà xuất
khẩu tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Duy -Giám đốc Công ty TNHH Thùy Dương - công ty đã
đàm phán trực tuyến với Hyup Jin Company – một DN có nhu cầu nhập khẩu các sản
phẩm bảo hộ lao động như găng tay, bao tay sử dụng trong công nghiệp... Dù hình
thức giao thương này còn khá mới mẻ nhưng qua trao đổi, công ty thấy có rất
nhiều khả năng có thể xuất khẩu thành công các mặt hàng bảo hộ lao động vào Hàn
Quốc.
Được biết hiện Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 500 tỷ USD, dự
kiến trong năm 2012, nhu cầu tiếp tục tăng thêm và Việt Nam được đánh giá là có
cơ hội lớn trong nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, công nghiệp chế biến…
Theo BaoCongThuong