Nếu như coi 2010 là năm thành công ngoài mong đợi của con tàu
kinh tế thế giới với mức tăng trưởng GDP gần 5%, thì năm 2011 là năm thất bại.
Sau 12 tháng, "con tàu kinh tế" đã không về đích khi hầu hết các định
chế tài chính thế giới hạ dự báo tăng trưởng 2011 xuống còn khoảng 3%, thấp hơn
so với mức 3,6% trước đó.
Tuy nhiên, năm 2011 đầy biến động đó đã qua đi, giờ là lúc
kinh tế toàn cầu chuẩn bị đón nhận những thách thức và cơ hội mới sắp đến. Theo
đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, “con tàu kinh tế” toàn
cầu năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít điểm
sáng.
Chuyên gia Mark Vitner của ngân hàng Well Fargo nhận định,
“Triển vọng kinh tế 2012 về nhiều mặt sẽ giống 2011. Nửa đầu năm tăng trưởng sẽ
thấp hơn dự kiến, nỗi lo sợ suy thoái vẫn là chủ đạo nếu tình hình châu Âu tiếp
tục xấu đi, nhưng tới giữa năm hoặc cuối mùa hè, các số liệu sẽ tích cực hơn một
chút”.
Trước đó, hôm 26/12/2011, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF) Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế thế giới đang trong tình thế nguy
nan, đồng thời hối thúc châu Âu cùng đồng lòng chung sức giải quyết cuộc khủng
hoảng nợ công tại châu lục, vốn đã và đang làm chao đảo hệ thống tài chính toàn
cầu.
Khủng hoảng nợ công đã đẩy nhiều nước đến bờ vực phá sản, thậm
chí đe dọa đẩy thế giới vào vòng xoáy của một cuộc suy thoái mới tồi tệ hơn và
phải mất ít nhất 5-10 năm mới có thể phục hồi. Cuộc khủng hoảng nợ này, nói
cách khác, là một cuộc khủng hoảng lòng tin về nợ nhà nước và củng cố hệ thống
tài chính, dự báo sẽ tiếp diễn trong 2012.
Chuyên gia Nigel Gault từ HIS Global Insight cũng cho rằng,
“tình hình khối đồng tiền chung châu Âu sẽ là mối đe dọa lớn nhất đến kinh tế
thế giới, nó là sự kết hợp giữa nguy cơ suy thoái với khủng hoảng tài chính khu
vực này. Trong trường hợp tồi tệ nhất, khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể xảy
ra như năm 2008”.
Dưới đây là một vài dự báo kinh tế đáng chú ý trong năm 2012
do giới phân tích quốc tế đưa ra từ giữa tháng 12/2011 tới nay, được VnEconomy
tổng hợp và giới thiệu.
Kinh tế Mỹ sáng dần
Nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng từ 2,3% -
3% trong năm 2012 so với mức dự kiến 2% năm 2011. Các chỉ số việc làm và chế xuất
ở Mỹ cho thấy tăng trưởng quý 4/2011 sẽ trên 3%, mức tăng mạnh nhất trong vòng
18 tháng. Thị trường lao động đã có dấu hiệu ổn định với tỉ lệ thất nghiệp 8,6%
trong tháng 11/2011.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của hãng tin AP đối với hơn
30 nhà kinh tế tư nhân, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế từ 14-20/12 cho thấy,
kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong 2012 nếu không bị chệch đường do những
biến động tại châu Âu. Cụ thể, những người được hỏi ý kiến đều dự đoán kinh tế
Mỹ sẽ đạt mức tăng 2,4% trong 2012.
Chuyên gia kinh tế trưởng Dean Maki của Barclays Capital nhận
định, kinh tế Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Mối đe dọa
lớn là cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu có nguy cơ gây ra tình trạng đóng băng
tín dụng toàn cầu như đã từng tác động tới Phố Wall hồi cuối năm 2008.
Ông Maki cho rằng, cú sốc đối với kinh tế Mỹ có thể sẽ không
nguy hiểm như vậy nếu GDP của Mỹ có thể tăng trưởng mạnh hơn, từ 4-5%. Nhưng nếu
tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 2-3%, thì một cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn có thể
khiến việc tạo việc làm mới chững lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Các chuyên gia khác thì cho rằng, ngoài châu Âu, những vấn đề
ở những khu vực khác cũng có thể tác động tới kinh tế Mỹ trong năm 2012. Sự bế
tắc trong Quốc hội trước các cuộc bầu cử năm 2012 và những sự kiện toàn cầu
không đoán trước được có thể sẽ khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.
Các nhà kinh tế dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ chững ở
mức 8,4% khi các cử tri đi bỏ phiếu vào tháng 11/2012 so với mức 8,6% trong
tháng 11/2011. Trong số những người được hỏi, 56% nói rằng kinh tế Mỹ sẽ được hỗ
trợ từ các chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Những người tham gia cuộc khảo sát cũng cho rằng, kinh tế Mỹ
đủ mạnh để chống đỡ nếu giá dầu tăng cao. Với mức gần 100 USD/thùng, giá dầu đã
tăng 10% so với cách đây một năm. Chỉ có 2 người được hỏi nói giá dầu cao sẽ
làm kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại rất nhiều.
Năm quyết định số phận đồng Euro
Theo chuyên gia kinh tế Oliver Roth, 2012 sẽ là năm quan trọng
đối với đồng Euro và tương lai của nó phụ thuộc vào cả châu Âu. “Dù Italy hay
nước nào đó không còn sử dụng Euro và chỉ còn một số nước duy trì đồng tiền
này, thì tương lai của nó vẫn không phải là vấn đề của riêng Italy hay nhóm nhỏ
đó”, ông nói.
Thực tế là, 17 nước thành viên khu vực đồng Euro (Eurozone)
đã bước vào năm 2012 với những trở ngại lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng
nợ công. Trong quý I/2012, Italy sẽ phải vay mượn thêm để thanh toán 72 tỷ Euro
nợ và tiền lãi, trong khi Tây Ban Nha dự kiến phát hành 25 tỷ Euro trái phiếu.
Nếu các đợt phát hành trái phiếu này diễn ra suôn sẻ, với các
mức lãi suất có thể chấp nhận được, những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở
Eurozone có thể sẽ dịu bớt. Ngược lại sẽ gây lo ngại về nguy cơ vỡ nợ công, điều
sẽ làm tê liệt hệ thống ngân hàng, nhấn chìm các nền kinh tế và có thể khiến
liên minh tiền tệ gồm 17 thành viên tan rã.
Những khó khăn của Italy và Tây Ban Nha có thể còn nhiều thêm
nếu khủng hoảng nợ công đẩy toàn bộ Eurozone vào một cuộc suy thoái. Các nhà
kinh tế của Ernst & Young dự đoán khu vực này sẽ rơi vào suy thoái nhẹ
trong nửa đầu năm tới và tăng trưởng chỉ 0,1% cả năm, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức
10% trong vài năm.
Điều này sẽ khiến các chính phủ khó khăn hơn khi thuyết phục
người dân chấp nhận việc cắt giảm hơn nữa trong chi tiêu, lương hưu và lương
công chức, trong khi tăng thuế. Với Hy Lạp, chưa thể rõ người dân còn chịu được
việc thắt lưng buộc bụng đến bao giờ, khi nền kinh tế sẽ suy thoái năm thứ 4
liên tiếp trong năm tới.
Trong khi đó, ý tưởng về việc phát hành trái phiếu chung vẫn
bị Đức phản đối và cần thời gian để có thể được thực hiện. Bên cạnh đó, mặc dù
có thể in thêm tiền để mua một lượng lớn trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha,
song cho đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn từ chối làm việc này.
Về kinh tế Đức, trả lời phỏng vấn ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Tài
chính nước này Wolfgang Schaeuble nói rằng, năm 2012 có thể sẽ còn tồi tệ hơn
2011, nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức sẽ có thể trụ vững trước tình cảnh
đó. Ông Schaeuble nói: "Năm 2012 có lẽ sẽ khó khăn hơn năm 2011 nhưng kinh
tế Đức vẫn trong trạng thái tốt".
Cũng trong thông điệp đầu năm gửi tới người dân ngày 2/1, Thủ
tướng Anh David Cameron thừa nhận nước Anh đang đứng trước một năm nhiều khó
khăn về kinh tế và không miễn dịch được với khủng hoảng nợ công châu Âu, nhưng
khẳng định chính phủ sẽ tận dụng mọi cơ hội để vượt qua những khó khăn này.
So với năm ngoái khi tuyên bố kinh tế Anh đã thoát khỏi khủng
hoảng, thông điệp năm nay của Thủ tướng Anh bớt lạc quan hơn trong bối cảnh nền
kinh tế này tiếp tục trì trệ và thất nghiệp tăng cao kỷ lục trong năm 2010. Một
số chuyên gia thậm chí cảnh báo kinh tế Anh có nguy cơ suy thoái kép trong năm
2012.
Châu Á: Ám ảnh lạm phát
Châu Á vẫn được dự báo là sẽ giữ vai trò thúc đẩy kinh tế
toàn cầu. Chuyên gia kinh tế trưởng Gerard Lyons của Ngân hàng Standard
Chartered nhận định, khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu sụt giảm
vào đầu năm 2012, song tăng trưởng tại châu Á và Trung Quốc sẽ kéo mọi thứ trở
lại quỹ đạo vào cuối năm.
Standard Chartered cho rằng, chính các nền kinh tế phát triển
cũng đang ngày càng nhận ra sự thật là sức mạnh kinh tế đang dịch chuyển sang
phía Đông, khi mà phương Tây đang phải vật lộn với sức ép về tín dụng, kinh tế
suy thoái và niềm tin của người tiêu dùng đổ vỡ.
Theo ngân hàng này, sức mạnh nổi lên của thế giới đang phát
triển thể hiện rõ với xu thế mở rộng nhanh của tầng lớp trung lưu, đầu tư cơ sở
hạ tầng gia tăng và mối liên kết chặt chẽ giữa các hành lang thương mại mới kết
nối châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin.
Tổng biên tập tờ The Economist, ông Daniel Franhklin cũng tin
rằng, các thị trường mới nổi lần đầu tiên sẽ mua một nửa lượng hàng hóa nhập khẩu
của thế giới trong năm 2012. Trung Quốc sẽ tiến gần đến vị trí của Mỹ là nước
nhập khẩu lớn nhất thế giới. Và đồng Nhân dân tệ sẽ sớm cùng với USD trở thành
đồng tiền toàn cầu.
Nhưng nếu Eurozone tan rã thì tác động đối với nền kinh tế
toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng và sức mạnh kinh tế gia tăng của châu Á cũng khó
có thể thay đổi được gì. Bộ phận Phân tích kinh tế của The Economist nhận định,
nếu khu vực này tan rã trong 2 năm tới thì với khả năng tác động xấu lên tới
40%, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái.
Thậm chí suy thoái sâu là khó tránh, bất chấp việc các nước
châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc sẽ nỗ lực đối phó bằng các chính sách tiền tệ và
tài chính. EIU dự đoán, để đối phó với những tác động xấu, các nhà hoạch định
chính sách ở châu Á có xu hướng quay trở lại ưu tiên cho giải pháp kích thích
kinh tế.
Theo ADB, để đối phó với viễn cảnh không mong muốn, các nhà
hoạch định chính sách châu Á nên sử dụng các công cụ tài khóa, tiền tệ và tài
chính sẵn có. Cần áp dụng cơ chế tại chỗ để bảo đảm ổn định tài chính và tín dụng
đầy đủ cho khu vực. Chính sách tiền tệ phải duy trì sự linh hoạt trong khi tỷ
giá hối đoái phải tránh sự phá giá cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Lim Su Sian, chuyên viên phân tích chiến lược
của ngân hàng Hoàng gia Scotland dự báo, các nhà hoạch định chính sách kinh tế
châu Á chịu nhiều áp lực giảm chi phí đi vay trong bối cảnh lạm phát vẫn còn
cao. Tại Ấn Độ, ngân hàng trung ương đã tạm dừng tăng lãi suất. Chỉ số giá
Trung Quốc đã vượt mục tiêu kìm hãm của chính phủ.
Lạm phát tiếp tục làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng,
đúng lúc các nền kinh tế châu Á đang cần nhu cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng
do xuất khẩu suy yếu. Tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings, ước lượng lạm
phát năm 2012 của các nền kinh tế mới nổi châu Á từ 4,7% lên 4,9%.
Từ Thái Lan tới Indonesia và Malaysia, ngân hàng trung ương
đã tiến hành cắt giảm lãi suất hoặc giữ lãi suất không đổi để bảo vệ nền kinh tế
khỏi ảnh hưởng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kéo dài. Ông Lim cảnh
báo chính phủ một số nước có thể nôn nóng và phạm sai lầm về chính sách khi
tăng trưởng kinh tế chậm chạp.
Riêng với Trung Quốc, giới phân tích dự báo, năm 2012, Trung
Quốc sẽ điều chỉnh một cách sâu sắc cấu trúc kinh tế và hướng lãnh đạo để đạt
tăng trưởng và sẽ tăng đáng kể các khoản trợ cấp xã hội. Tốc độ tăng trưởng của
cường quốc đông dân nhất thế giới sẽ xoay quanh tỷ lệ 8%.
Việc giảm tăng trưởng và chú trọng và phát triển bền vững sẽ
xoa dịu những bất ổn xã hội ngày càng tăng, tệ nạn tham nhũng và ô nhiễm môi
trường ở nước này. Và nếu Trung Quốc tập trung vào việc tiêu thụ theo định hướng,
thì căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ được cải thiện.
Theo VnEconomy