Được hỗ trợ từ yếu tố tăng giá, xuất khẩu nông sản Việt Nam
năm 2011 có mức tăng trưởng kim ngạch gần 28% so với năm trước đó. Tuy nhiên,
xu hướng sụt giảm về lượng và giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản xuất hiện
kể từ khoảng quý 4/2011 đã ảnh hưởng mạnh đến dự báo triển vọng năm 2012.
Bản tin phân tích và dự báo thị trường một số nông sản quý
4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận về triển vọng xuất
khẩu các mặt hàng nông sản năm 2012 có khả năng không duy trì được như năm
ngoái.
Chẳng hạn với gạo, ở kịch bản lạc quan nhất, xuất khẩu mặt
hàng này có thể chỉ tương đương năm ngoái; cao su cũng đứng trước khả năng sụt
giảm kim ngạch hơn 1 tỷ USD; cà phê dự báo “mất” khoảng 700 triệu USD; hạt tiêu
giảm 1/3 sản lượng xuất khẩu…
“Khủng hoảng kinh tế tài chính ở một số khu vực, biến động
thời tiết khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... sẽ vẫn là những yếu tố tác động đến
sản xuất và xuất khẩu nông sản”, bản tin của Bộ nhìn nhận.
Xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,8-7,3 triệu tấn
Trong dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối
lượng gạo xuất khẩu của năm 2012 có thể dao động ở mức 6,8-7,3 triệu tấn. Trước
đó, cũng Bộ này cho biết, Lượng gạo xuất khẩu cả năm 2011 ước đạt 7,2 triệu
tấn, với kim ngạch 3,7 tỷ USD.
Dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam cho thấy, kể từ tháng
9/2011, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đột ngột sụt giảm mạnh, sau khi Ấn Độ
và Pakistan tham gia thị trường này với giá bán rất cạnh tranh.
Cũng trong giai đoạn cuối năm ngoái, thị trường lúa gạo tại
đồng bằng sông Cửu Long khá trầm lắng, giá gạo nguyên liệu cũng như gạo thành
phẩm đều có xu hướng giảm.
Chẳng hạn, giá gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm chỉ còn
8.100 đồng/kg vào 26/11/2011, trong khi khoảng 1 tuần trước đó còn đạt gần
10.000đồng/kg. Tương tự, giá các loại gạo khác cũng giảm mạnh vào thời điểm
cuối năm. Điều này được giải thích là do năng suất vụ lúa tại đồng bằng sông
Cửu Long tăng mạnh.
Với triển vọng thị trường gạo thế giới năm 2012, theo dự báo
của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa gạo niên vụ 2011/12 có thể đạt
460,8 triệu tấn, tăng khoảng 2% so với niên vụ 2010/11.
Trong khi đó, tiêu dùng toàn cầu niên vụ 2011/12 đạt 458,1
triệu tấn, tăng 2% so với niên vụ trước. Dữ trữ gạo cuối kỳ toàn cầu dự kiến
đạt 99,5 triệu tấn trong niêm vụ 2011/12, tăng 3% so với niên vụ 2010/11.
Về thương mại, cũng nguồn tin trên cho biết, sản lượng lúa
gạo xuất khẩu được dự báo tăng cho Ấn Độ (khối lượng xuất khẩu tăng 700 ngàn
tấn, đạt 4,5 triệu tấn), Pakistan (khối lượng gạo xuất khẩu năm 2012 cũng được
dự báo tăng 750 ngàn tấn so với năm 2011).
Tuy nhiên, khối lượng gạo xuất khẩu được dự báo giảm cho 2
nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Việt Nam và Thái Lan trong năm 2012. Trong
đó, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam dự báo giảm 300 ngàn tấn, khối lượng
gạo xuất khẩu của Thái Lan dự báo giảm 2,5 triệu tấn.
Đáng lưu ý là khối lượng gạo nhập khẩu của một số nước nhập
khẩu chính trên thế giới cũng được dự báo giảm mạnh trong năm 2012. Với
Indonesia, dự báo nhập khẩu gạo của quốc gia này sẽ giảm 1,775 triệu tấn, so
với mức 2,775 triệu tấn năm 2011, ước đạt 1 triệu tấn (do dự báo sản xuất tăng
trong năm 2012).
Nhập khẩu gạo của Bangladesh có thể chỉ đạt 750 nghìn tấn vào
năm 2012, giảm 650 ngàn tấn so với mức 1,4 triệu tấn năm 2011. Ngoài ra dự báo
nhập khẩu giảm tại Iraq và Nigeria.
Ngược lại, một số quốc gia khác lại được dự báo khối lượng
nhập khẩu gạo năm 2012 tăng như trường hợp Philippines tăng 700 ngàn tấn và đạt
2,2 triệu tấn; Brazil khối lượng nhập khẩu tăng 10 ngàn tấn và đạt 550 ngàn
tấn…
Xuất khẩu cà phê lui về mức 2 tỷ USD
Với cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo kim
ngạch xuất khẩu trong năm 2012 chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức
của năm 2011, cũng theo Bộ này là khoảng 2,7 tỷ USD.
Quan ngại lớn nhất đối với mặt hàng này là xu hướng giá thế
giới giảm, trong khi khả năng sản lượng trong nước năm nay sẽ không bằng năm
ngoái.
Trong năm 2011, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động
tăng liên tục trong giai đoạn 4 tháng đầu năm và đạt đỉnh ở mức 247,63 US
cents/lb vào ngày 3/5, tăng 25,1% so với mức giá đạt được hồi đầu năm.
Tuy nhiên, kể từ sau mức đỉnh cao này, giá cà phê thế giới đã
liên tục điều chỉnh giảm do tác động của các thông tin tích cực về sản lượng
của các quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Braxin, Việt Nam…
Bên cạnh đó, những lo ngại về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng
kinh tế thế giới vẫn còn tiếp diễn và việc đồng USD tăng giá so với đồng Euro làm
cho giá cà phê tính theo đồng USD trở nên đắt đỏ hơn.
Chỉ số giá cà phê tổng hợp theo ngày của ICO xuống mức thấp
nhất là 183,28 US cents/lb trong ngày 16/12, giảm tới 26% so với mức giá cao
nhất mà thị trường đã đạt được trong ngày 3/5. Ngày 22/12, chỉ số giá tổng hợp
của ICO đang đứng ở mức 185,55 US cents/lb, giảm 6,3% so với mức giá đạt được
hồi đầu năm 2011.
Về sản xuất, theo dự báo của Tổ chức Cà phê quốc tế ICO, sản
lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ 2011/12 sẽ chỉ đạt 18,5 triệu bao (tương đương
1,11 triệu tấn), giảm 5% so với sản lượng của niên vụ trước.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra dự báo lạc quan hơn về
mức sản lượng cà phê của nước ta trong niên vụ 2011/12 với mức 20,6 triệu bao
(tương đương 1,24 triệu tấn).
Việc giảm sản lượng cà phê cũng được dự báo cho thị trường
toàn cầu trong năm nay. ICO cho rằng, sản lượng cà phê phân theo hai chủng loại
Arabica và Robusta trong niên vụ 2011/12 sẽ đạt lần lượt 79,6 và 48,9 triệu
bao, giảm tương ứng 4,3% và 2,1% so với niên vụ trước.
Tuy nhiên, Morgan Stanley có dự báo tích cực hơn cho xu hướng
giá cà phê năm nay. Theo tổ chức này, giá cà phê trên thị trường thế giới có
thể tăng trong năm 2012 do nguồn cung tại Braxin, Việt Nam và Colombia sụt
giảm, trong khi nhu cầu tiếp tục gia tăng.
Cao su có thể chỉ đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD
Mức dự báo “bi quan” nhất rơi vào mặt hàng cao su. Sau nhiều
năm tăng trưởng mạnh về sản lượng và kim ngạch, năm 2012 được nhìn nhận không
có nhiều thuận lợi đối với mặt hàng nông sản chủ lực này của Việt Nam.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, khối
lượng cao su xuất khẩu năm 2012 có thể đạt hơn 880 nghìn tấn, cao hơn mức 846
nghìn tấn của năm 2011, nhưng giá trị kim ngạch chỉ ở mức trên 2,1 tỷ USD, tức
giảm khoảng 1,2 tỷ USD so với con số ước tính của Bộ này cho năm ngoái.
Quan ngại trên xuất phát từ xu hướng giá trên thị trường thế
giới gần đây có nhiều biến động. “Giá cao su thế giới chịu tác động lớn bởi
những biến động của các yếu tố kinh tế vĩ mô như khủng hoảng kinh tế thế giới,
giá dầu, giá vàng...”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý.
Giá cao su kỳ hạn tại thị trường Tokyo ngày giao dịch đầu
tuần từ 19-22/12/2011 tiếp tục đà giảm của tuần trước do lo ngại khả năng một
loạt các nước khu vực đồng tiền chung Châu Âu có thể bị hạ xếp hạng tín dụng
làm dấy lên lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị chậm lại vào năm tới.
Tại sàn giao dịch Thượng Hải giá cao su tất cả các kỳ hạn
cũng đồng loạt giảm sau khi có một phiên tăng nhẹ vào cuối tuần trước, xuất
phát từ dự báo sản xuất của Thái Lan trong năm 2012 có thể đạt con số 3,15
triệu tấn, tăng 5% so với năm 2011.
Trong khi đó, theo dự báo mới nhất của Hiệp hội các quốc gia
sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), năm 2012 sản lượng cao su thiên nhiên sẽ
tăng khoảng 6% đạt khoảng 10,3 triệu tấn, trong đó hai nhà cung cấp Thái Lan và
Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng cao.
Theo tập đoàn nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG), tổng cung ứng
cao su thiên nhiên trên thế giới có thể tăng 30% vào năm 2015 và tăng khoảng
50% vào năm 2020 do diện tích trồng mới tăng mạnh, ước tăng khoảng 6 lần so với
năm 2000.
Năm 2012, dự báo nhu cầu cao su tiếp tục tăng trong đó nhu
cầu đối với mặt hàng cao su tổng hợp sẽ tăng 5% trong năm 2011 và tăng 9% trong
năm 2012. Trong khi nhu cầu cao su thiên nhiên tăng với tốc độ thấp hơn với mức
tăng 3,8% trong năm 2011 và 5,4% vào năm 2012.
Dự báo nhu cầu cao su toàn cầu (bao gồm cả cao su thiên nhiên
và cao su tổng hợp) đạt 25,7 triệu tấn trong năm 2011 và 27,6 triệu tấn vào năm
2012.
Xuất khẩu hạt điều dự báo đạt 1,75 tỷ USD
Tuy nhiên, xuất khẩu hạt điều lại được dự báo với triển vọng
khá lạc quan, cả về mặt sản lượng và kim ngạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cho rằng, khối lượng xuất khẩu hạt điều của năm 2012 có thể đạt hơn
200 nghìn tấn với trị giá 1,75 tỷ USD, tăng khá cao so với con số tương ứng 178
nghìn tấn và 1,5 tỷ USD của năm 2011.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỏ ra khá
khác biệt với tình hình trong nước và thế giới hiện nay, khi giá giao dịch điều
nhân đang giảm, sản lượng trong nước dự kiến sẽ giảm. Tuy nhiên, kịch bản tăng
nhập điều khô để tái xuất có thể là dữ liệu được đưa vào trong kịch bản nói
trên.
Khép lại năm 2011, thị trường hạt điều thô thế giới diễn ra
khá trầm lắng. , khi các nhà bán lẻ lưỡng lự không muốn ký hợp đồng với khối
lượng lớn do lo ngại tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và những bất
ổn của nền kinh tế thế giới khiến tiêu thụ giảm.
Hiện các nhà chế biến vừa và nhỏ đang mua hạt điều thô của
Indonesia và Tanzania với mức giá từ 1.475 đến 1.525 USD/tấn (C&F). Tại thị
trường Delhi-Ấn Độ, giá điều nhân nội địa loại W240 ngày 24/12 đạt mức 550
Rupi/kg, giá điều nhân loại 2 mảnh vỡ đạt 410 Rupi/tạ tương đương với mức giá
thời điểm đầu năm. Điều nhân loại W320 có khối lượng giao dịch lớn nhất, hiện
có mức giá 500 Rupi/tạ, tăng 10% so với đầu năm tuy nhiên giảm 12,7% so với mức
giá cuối quý 3/2011.
“Hầu hết các nhà chế biến ở Ấn Độ và Việt Nam đang hạn chế
mua vào do mức giá điều thô đang ở mức cao trong khi giá điều nhân xuất khẩu
giảm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Trên thị trường điều nhân xuất khẩu cũng chứng kiến sự sụt
giảm khá mạnh, giá điều nhân thế giới loại W320 hiện dao động từ 3,65-3,7
USD/lb. Giá điều xuất khẩu loại W240 của Ấn Độ đạt 3,9 USD/lb; loại W320 đạt
3,7 USD/lb, giảm 5-10% so với mức giá đầu năm 2011.
Theo dự báo của Hiệp hội Hạt và trái cây khô quốc tế (INC),
tổng sản lượng điều nhân thế giới niên vụ 2011/2012 đạt 491,4 ngàn tấn, tăng
4,2% so với niên vụ 2010/2011. Sản lượng điều nhân của Indonesia và Braxin tăng
mạnh trong năm 2012 với mức tăng tương ứng là 50% và 62,8% so với năm 2011.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho
biết, diện tích điều đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2011 tổng diện
tích điều cả nước ước đạt 360,3 nghìn ha, giảm 5% so với năm 2010 và giảm 10%
so với năm 2009.
Nguyên nhân là do các vườn điều có diện tích già cỗi khiến
năng suất thấp. Thêm vào đó trong những năm gần đây, cây điều không cho hiệu
quả kinh tế cao như các cây trồng khác nên người nông dân đã chặt bỏ để trồng
các cây trồng khác như cao su, cà phê, hồ tiêu…
Với các mặt hàng nông sản khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cho rằng, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của năm 2012 có thể giảm
khoảng 1/3 so với năm ngoái, ước đạt gần 86 nghìn tấn; giá trị kim ngạch cũng
chỉ còn khoảng 619 triệu USD, thay cho 736 triệu USD, do có những sụt giảm về
nguồn cung trong nước.
Xuất khẩu chè trái lại có thể tăng về sản lượng, dự báo đạt
khoảng 140 nghìn tấn (năm ngoái là 131 nghìn tấn), nhưng giá trị kim ngạch thì
đuối hơn với 190 triệu USD (năm ngoái là 198 triệu USD).
Riêng mặt hàng thủy sản tiếp tục được dự báo tăng trưởng ở
mức khả quan, ước có thể đạt 6,6 tỷ USD thay cho mức khoảng 6,1 tỷ USD của năm
ngoái. Trong năm 2011, xuất khẩu thủy sản Việt Nam không chỉ tăng khá ở những
thị trường truyền thống mà còn mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường mới như
các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Nigieria...
Theo INFOTV