"Khối lượng xuất khẩu cà phê của năm 2012 ước đạt gần 1,1
triệu tấn với trị giá hơn 2 tỷ USD”. Đó là dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại
bản tin dự báo thị trường nông sản quý 4/2011.
So với năm 2011, lượng cà phê xuất khẩu dự kiến sẽ ở mức thấp
hơn chút ít, nhưng kim ngạch giảm khoảng 700 triệu USD. Theo công bố của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu cà phê năm 2011 đạt
1,2 triệu tấn với trị giá 2,7 tỷ USD.
Sụt giảm sản lượng cũng là xu thế chung của thị trường toàn
cầu. Theo dự báo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tổng sản lượng cà phê toàn
cầu trong niên vụ 2011/2012 ở mức 128,6 triệu bao, giảm 3,4% so với mức 133,1
triệu bao của niên vụ 2010/11. Nguyên nhân là do thời tiết bất lợi khiến tình
trạng sâu bệnh trên cây cà phê gia tăng làm giảm sản lượng của một số khu vực.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, sản lượng cà phê trong niên vụ
2011/2012 có khả năng giảm 4,6% so với niên vụ trước, chỉ đạt 35,8 triệu bao,
chủ yếu là do sản lượng của Indonesia và Ấn Độ giảm bởi điều kiện thời tiết bất
lợi. Tại khu vực Mexico và Trung Mỹ, sản lượng của niên vụ 2011/2012 cũng được
dự báo sẽ giảm 4,6% so với niên vụ trước, chỉ đạt 18,4 triệu bao.
Mặc dù sản lượng tăng tại Peru nhưng với sự sụt giảm sản
lượng của Braxin đã làm cho tổng sản lượng cà phê của toàn khu vực Nam Mỹ trong
niên vụ hiện tại được dự báo sẽ giảm khoảng 7,4% so với niên vụ 2010/2011, chỉ
đạt 58,1 triệu bao. Sản lượng cà phê của Colombia được dự báo sẽ không có khả
năng phục hồi trở lại mức trung bình 8,4 triệu bao/năm trong vòng 4 năm qua.
Trong khi đó, sản xuất cà phê tại khu vực châu Phi có khả
năng phục hồi đáng kể, sản lượng kỳ vọng đạt mức 16,3 triệu bao trong niên vụ
2011/2012, tăng 19,6% so với mức 13,6 triệu bao của niên vụ trước đó. Đây là
mức sản lượng cao nhất của khu vực này kể từ niên vụ 2000/2001.
ICO dự báo sản lượng cà phê phân theo hai chủng loại Arabica
và Robusta trong niên vụ 2011/2012 sẽ đạt lần lượt 79,6 và 48,9 triệu bao, giảm
lần lượt 4,3% và 2,1% so với niên vụ trước.
Về tiêu thụ, trong vòng 1 thập kỷ qua, tiêu thụ cà phê toàn
cầu đã tăng trưởng với mức bình quân 2,5%/năm. Tại các thị trường truyền thống
ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong thời kỳ
2000-2010 đạt 1,1%, khối lượng tiêu thụ tăng từ mức 63,6 triệu bao lên mức 71
triệu bao. Các thị trường truyền thống có mức tăng trưởng bình quân năm cao
nhất trong vòng 10 năm qua là Canada (4,2%), Anh (3%), Hoa Kỳ (1,5%) và Ý
(1,2%).
ICO dự báo nếu tốc độ tăng trưởng này được duy trì, tiêu thụ
cà phê toàn cầu sẽ có khả năng vượt mức 158 triệu bao trong năm 2020.
Về giá cả, trong năm 2011, giá cà phê trên thị trường thế
giới biến động tăng liên tục trong giai đoạn 4 tháng đầu năm và đạt đỉnh ở mức
247,63 US cents/lb vào ngày 3/5, tăng 25,1% so với mức giá đạt được hồi đầu
năm.
Tuy nhiên, kể từ sau mức đỉnh cao này, giá cà phê thế giới đã
liên tục điều chỉnh giảm do tác động của các thông tin tích cực về sản lượng
của các quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Braxin, Việt Nam… kèm
theo những lo ngại về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn
tiếp diễn và việc đồng USD tăng giá so với đồng Euro làm cho giá cà phê tính
theo đồng USD trở nên đắt đỏ hơn.
Chỉ số giá cà phê tổng hợp theo ngày của ICO xuống mức thấp nhất
là 183,28 US cents/lb trong ngày 16/12, giảm tới 26% so với mức giá cao nhất mà
thị trường đã đạt được trong ngày 3/5. Đến ngày 22/12/2011, chỉ số giá tổng hợp
của ICO đang đứng ở mức 185,55 US cents/lb, giảm 6,3% so với mức giá đạt được
hồi đầu năm 2011.
Mặc dù có xu hướng giảm trong giai đoạn nửa cuối năm nhưng
nhìn chung giá cà phê trên thị trường thế giới trong năm 2011 đã duy trì ở mức
khá cao so với các năm trước đó. Sự hạn chế về nguồn cung cấp trong khi nhu cầu
tiêu thụ toàn cầu tăng trưởng tương đối vững trong những năm gần đây sẽ là
những yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá cà phê trên thị trường thế giới trong thời
gian tới.
Ở trong nước, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, diện tích
trồng cà phê của cả nước trong năm 2011 đạt 570,9 nghìn ha, diện tích cho sản
phẩm đạt 533,8 nghìn ha, sản lượng đạt 1,17 triệu tấn, tăng 3% về diện tích cho
sản phẩm và tăng 5% về sản lượng so với năm 2010.
Theo dự báo của Tổ chức Cà phê quốc tế ICO, sản lượng cà phê
của Việt Nam trong niên vụ 2011/2012 sẽ chỉ đạt 18,5 triệu bao (tương đương
1,11 triệu tấn), giảm 5% so với sản lượng của niên vụ trước. Trong khi đó, Bộ
Nông nghiệp Mỹ đưa ra dự báo lạc quan hơn về mức sản lượng cà phê của nước ta
trong niên vụ 2011/2012 với mức 20,6 triệu bao (tương đương 1,24 triệu tấn).
Về xuất khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng
xuất khẩu giảm tương đối mạnh kể từ tháng 6 đến nay đã làm chậm lại mức tăng
trưởng xuất khẩu cà phê mà nước ta đã đạt được trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng
cao so với năm trước do giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao. Giá xuất khẩu
bình quân 11 tháng năm 2011 đạt mức 2.204 USD/tấn, tăng 49% so với cùng kỳ năm
2010.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của
Việt Nam với thị phần chiếm 11,74% trong tổng giá trị xuất. Tiếp theo là một số
thị trường thuộc khối EU như Đức (thị phần 10,1%), Bỉ (thị phần 8,2%), Italia
(thị phần 6,6%), Tây Ban Nha (thị phần 5%), đặc biệt là thị trường Bỉ với mức
nhập khẩu tăng gần gấp đôi về lượng và gấp 3 về giá trị.
Theo INFOTV