Năm 2011, mặc dù xuất khẩu các mặt hàng nông sản có kim ngạch
tăng 33% so với năm 2010 nhưng chè lại là mặt hàng duy nhất giảm cả về lượng và
kim ngạch.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
(NN&PTNT), lượng chè xuất khẩu cả năm 2011 đạt 131 nghìn tấn với giá trị
198 triệu đô la, giảm 4,3% về lượng và 0,8% về giá trị so với năm 2010.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản
năm 2011 đều tăng mạnh, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản (không
tính lâm, thủy sản) năm 2011 ước đạt 13,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 33,2% so với năm
trước.
Giải thích cho sự suy giảm về giá trị cũng như khối lượng
xuất khẩu chè năm nay, ông Đoàn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam
(Vitas) cho biết, xuất khẩu chè năm nay giảm là do giảm về sản lượng so với năm
2010.
Thời tiết năm 2011 không thuận lợi, đặc biệt là khô hạn trong
những tháng đầu năm 2011, đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng chè. Thứ hai là
do nạn chè bẩn. Khi thương nhân Trung Quốc sang thu mua chè, họ đã hướng dẫn
cho nông dân trộn nhiều tạp chất, sản xuất và chế biến chè sai quy cách. Trong
tư tưởng của người nông dân có ý nghĩ cứ gọi là chè là có thể bán được và cắt
dài thoải mái. Khi cắt không đúng kỹ thuật như vậy sẽ ảnh hưởng tới sinh trưởng
của cây và tới năng suất của chè những tháng sau đó.
Xuất khẩu chè sang hầu hết các thị trường lớn năm 2011 đều
suy giảm so với năm ngoái, ngoại trừ thị trường Indonesia, tăng gấp 2 lần. Các
thị trường khác như Đức và Saudi Arabia cho thấy sự tăng nhẹ về kim ngạch.
Điểm sáng duy nhất đối với ngành chè năm nay là giá xuất
khẩu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá xuất khẩu chè bình quân 11 tháng
đầu năm 2011 đạt 1.520 đô la Mỹ/tấn, bằng giá kỷ lục của năm 2008, tăng 3,5% so
với cùng kỳ năm 2010.
Ông Đoàn Anh Tuấn cho hay, từ trước tới nay ngành chè không
gặp rắc rối nhiều về rào cản thuế quan khi xuất khẩu. Hiện nay, do chỉ có một
số nước trên thế giới đủ điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng để có thể trồng chè.
Chính vì vậy, đại đa số các nước tiêu thụ chè trên thế giới (trừ những nước sản
xuất chè ra) đều áp dụng thuế suất bằng 0%.
Tuy nhiên, ngành chè lại đang gặp phải những hàng rào chất
lượng khi xuất khẩu sang các nước.
Hiện nay Việt Nam áp dụng khá nhiều tiêu chuẩn như VietGap và
GlobalGap trong nông nghiệp, tuy nhiên, tính thương mại và tính chấp nhận trên
thế giới của những loại chứng chỉ này còn kém, chỉ mang tính chất hướng dẫn nội
bộ tại Việt Nam.
Năm nay, Vitas có kế hoạch phổ biến hai loại chứng chỉ khác
có tính ứng dụng và công nhận trên thế giới cao hơn như UZT và Rainforest. Đây
là tiêu chuẩn mới tại Viêt Nam nhưng quen thuộc trên thế giới nên chè được cấp
chứng chỉ này sẽ dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Đức, Mỹ...
Chứng chỉ Rainforest do tập đoàn Unilever với thương hiệu
Lipton khởi xướng đưa vào Việt Nam, thông qua Công ty chè Phú Bền. Trong khi
đó, chứng chỉ UZT là do Solidaridad đưa vào Việt Nam và hãng trà Cozy là đơn vị
đầu tiên ưng dụng chứng chỉ UZT này.
Nếu áp dụng được chứng chỉ này, giá sản phẩm xuất khẩu sẽ
tăng khoảng 30-40% so với sản phẩm thông thường.
Theo Vinanet