Tình hình kinh tế khó khăn đặt ra cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (CEO) rất nhiều thách thức lớn. Thay đổi mô hình kinh doanh như thế nào để có thể chèo lái con thuyền doanh nghiệp đứng vững trước những sóng gió, chủ động đi trước đón đầu, khẳng định được vị trí và bứt phá phát triển trong tương lai là câu hỏi lớn đặt ra cho các CEO.
Đó cũng chính là nội dung chính của Diễn đàn quốc tế dành cho lãnh đạo doanh nghiệp – CEO World Forum 2012 lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 12/1, tại Hà Nội, với chủ đề "Mô hình kinh doanh mới trên nền tảng phát triển bền vững".
Đây là Diễn đàn quốc tế đầu tiên dành riêng cho các tổng giám đốc, giám đốc điều hành và lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp tại Việt Nam, mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới, do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG phối hợp với Câu lạc bộ Giám đốc Điều hành và Giám đốc Công nghệ thông tin (CEO&CIO Club) cùng tổ chức.
Các câu hỏi làm gì để chiếm lĩnh thị trường mới, đâu là cơ hội trong thế giới đầy rủi ro... đã được các đại diện doanh nghiệp đến từ nhiều khu vực trên thế giới cùng chia sẻ.
Ông Inigo Guevara, Phó chủ tịch toàn cầu, Giám đốc điều hành Indra Châu Á Thái Bình Dương (Tây Ban Nha) cho hay, nền kinh tế Châu Âu đang rất khó khăn và Tây Ban Nha cũng đang vận lộn trong tâm bão. Song không thể chỉ nói đến sự bi quan, các doanh nghiệp phải tự cải thiện mình trong điều kiện khủng hoảng.
Điều quan trọng là phải gia tăng giá trị cho sản phẩm, tạo lợi thế sản phẩm tốt nhất. Kế đó là mở rộng sản xuất sang các khu vực có chi phí thấp, tiếp theo và then chốt là bán được ra thế giới. Bởi, khủng hoảng không thể đánh toàn bộ các quốc gia và hiện châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực rất tốt.
Đến từ Australia, ông Ward Nash Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, WYSE Technology cũng có cùng quan điểm với người đồng sự. Thị trường Australia không thể tạo ra được sự tăng trưởng cao được, vì thế WYSE đã hướng ra khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đã rất thành công.
“Lần đầu chúng tôi có mặt ở Việt Nam và mặc dù tại đây kiểm soát lạm phát vẫn là vấn đề rất khó khăn, tuy nhiên chúng tôi vẫn xác định Việt Nam là một thị trường tiềm năng và có tính hấp dẫn riêng,” ông Ward Nash nói.
Cần tiếp tục mở rộng tầm nhìn đi xa hơn và thị trường châu Phi cũng là khu vực tiềm năng cho các doanh nghiệp châu Á, ông Michael Teng, Tổng giám đốc Turnaround Center (Singapore) đưa ra một ý tưởng khá thuyết phục. Nếu như các nước Đông Nam Á cần tới vài thập kỷ để thành những “con rồng”, thì thị trường Châu Phi chỉ cần khoảng một thập kỷ là có thể trở thành những “con hổ”.
Các quốc gia này được đánh giá là không ảnh hưởng bởi khủng hoảng toàn cầu, dự báo tới 2015 tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào khu vực này sẽ tăng đến con số 150 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia nắm bắt cơ hội này rất tốt.
“Theo tôi, Việt Nam đã có sẵn có các mối quan hệ tốt với châu Phi nên việc các doanh nghiệp tiếp cận thị trường này là khá thuận lợi. Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với châu Phi trong ba lĩnh vực: Sản phẩm nông nghiệp (thực phẩm là hàng hóa có giá trị trong khủng hoảng); xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực; sử dụng vốn viện trợ vào sản xuất.
Trong khi đó, nhận định kinh tế Việt Nam có thể hướng tới mô hình kinh tế Nhật Bản là ý kiến của ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc NICD (Nhật).
“Chúng ta là những nhà doanh nghiệp, nên phải vượt lên trên những con số thống kê. Đây không phải là thời kỳ biến động kinh tế, mà là thời kỳ tái cơ cấu toàn cầu. Không thể ngồi mà chờ đợi năm sau sẽ tốt hơn. ‘Trời mưa phải mang dù’, muốn đi theo thời đại thì phải có dự báo tốt. Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh phải hết sức bi quan nhưng khi thực hiện lại phải rất lạc quan,” ông Dũng chia sẻ./.
Theo INFOTV