Trước nhiều biến động của nền kinh tế thế giới, Bộ Công
Thương vẫn dự kiến tổng mức bán lẻ thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD
năm 2012.
Trong giai đoạn 2011- 2020 dự kiến tăng trưởng 10% bình
quân/năm, tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa trong nước chiếm khoảng 20% của GDP.
Theo Bộ Công Thương, thị trường nội địa không đơn giản chỉ là một phân khúc thị
trường mà còn là “hậu phương” vững chắc cho các doanh nghiệp, vì muốn cạnh
tranh được trên thương trường quốc tế thì trước hết phải cạnh tranh được trên
“sân nhà.”
Thực tế hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một trong
những thị trường hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Nếu doanh
nghiệp trong nước không tự chủ, khó có thể cạnh tranh được với những tập đoàn
lớn của nước ngoài.
Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến
hết năm 2011 cả nước vẫn còn 8.591 chợ truyền thống, trong đó 97% các chợ đã
thực hiện đúng chức năng phân luồng và hoạt động có hiệu quả. Đối với hệ thống
phân phối hiện đại cả nước hiện có khoảng 615 siêu thị, 102 trung tâm thương
mại ở 35 tỉnh và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa được
lưu thông qua hệ thống thương mại hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 15%-20%, khoảng
80% qua hệ thống chợ truyền thống và các điểm bán lẻ.
Tổng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa trên thị trường nội
địa trong thời gian qua đã có sự chuyển biến sâu rộng, tăng bình quân 13,9 %. Riêng
năm 2011, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ bình quân hàng tháng trên 20% so
với năm trước.
Mức lưu chuyển hàng hóa cả năm đạt: 96 tỷ USD (tương đương
1.994 nghìn tỷ đồng) tăng trưởng 29,3%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng
trưởng khoảng 7-8%. Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều bất ổn
của thị trường, tốc độ tăng trưởng hàng hóa bán lẻ của thị trường nội địa trong
năm qua là tương đối cao, đây là một thành công về phát triển thị trường trong
nước.
Theo INFOTV