Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2012, hàng loạt mặt hàng
nhập khẩu được giảm thuế suất ở mức không nhỏ. Việc giảm thuế được thực hiện
theo cam kết song phương và đa phương trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam
với các đối tác.
Đối với biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT/AFTA, trong
năm 2012 có khoảng 1.600 dòng thuế được giảm thuế suất xuống 0% (trước đây dự
định xuống 5%) như gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử và sản phẩm công nghệ thông tin,
thiết bị và sản phẩm y tế, dệt may, cao su và sản phẩm cao su, thủy sản...
Nhóm sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ khu vực ASEAN cũng
được giảm thuế suất từ 10 – 20% xuống còn 5% - 10%. Theo đó, trong năm 2012, có
44 dòng thuế được điều chỉnh (giảm khoảng 50% so với 2011) đối với các mặt hàng
nhập khẩu từ ASEAN: thịt gà và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thóc và gạo
lứt, các sản phẩm chế biến từ thịt trâu và thịt bò, chanh, bưởi...
Liên tục trong nhiều năm, Trung Quốc luôn đứng đầu về tổng
giá trị hàng hóa xuất khẩu cho Việt Nam, đây là "kênh” chủ yếu dẫn đến
tình trạng nhập siêu của Việt Nam. Theo thỏa thuận đã được cam kết, trong năm
2012, có gần 200 dòng thuế được giảm đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặt hàng camera và wbcam thuế suất giảm từ 15% chỉ còn 5%. Các loại quạt điện
giảm thuế suất còn 15% thay vì 20% như 2011. Mức thuế suất từ 15% giảm xuống
10% đối với các mặt hàng: gạo và một số sản phẩm dầu thực vật, nước khoáng và
đồ uống, nhóm sản phẩm từ sắt thép và gỗ, lò vi sóng và bình đun nước nóng, mỹ
phẩm... Thực hiện giảm 10 điểm phần trăm (hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc) với
nhóm sản phẩm như: xe máy và xe đạp máy, xe tải van và xe tải thông thường, máy
hút bụi và máy đánh bóng sàn, sản phẩm gốm sứ phục vụ nhu cầu xây dựng, đồ gia
dụng...
Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, thực hiện giảm thuế
suất ở mức từ 0,5 – 3 điểm phần trăm đối với các mặt hàng: rau quả và nước ép,
mỳ và miến, cá, kẹo, cacao... Nhóm sản phẩm này với mức giảm thuế nói trên chỉ
thực hiện đến thời hạn 31-3-2012. Đối với FTA ASEAN - Ấn Độ, năm 2012 thực hiện
giảm thuế từ 0,5 – 3 điểm phần trăm so với 2011.
Giảm thuế nhập khẩu từ các thị trường được thực hiện theo lộ
trình đã hoạch định cùng với cam kết thỏa thuận của các đối tác. Thuế nhập khẩu
giảm sẽ kéo lùi chi phí, theo đó hàng hóa trên thị trường có điều kiện giảm
giá, người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, sau khi hàng loạt hàng hóa nhập
khẩu giảm thuế, sản xuất trong nước buộc phải nâng cao sức cạnh tranh và giảm
giá mới có thể trụ vững trên thị trường nội địa. Chất lượng không tăng và giá
không giảm, tiếp tục sản xuất kinh doanh theo kiểu đó thì "thua trên sân
nhà” là điều khó tránh khỏi.
Theo INFOTV