Ngày 18/4/2012, tại TP. Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với MUTRAP (Dự án hỗ trợ thương mại đa biên – Mutrap III), tổ chức Hội thảo “Triển vọng một số ngành xuất khẩu của Việt Nam”, thu hút khoảng 100 doanh nghiệp tham dự.
Theo VCCI, Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhận diện, đánh giá thị trường, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường khả năng cạnh tranh của một số nghành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, chế biến gỗ, thủy sản,…
Đánh giá về thực trạng và triển vọng của ngành dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết: “Đến năm 2011, ngành dệt may Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước về quy mô cũng như tầm vóc. Có khoảng 4.000 doanh nghiệp, đạt doanh thu 20 tỷ USD, chiếm 15% GDP. Và triển vọng trong tương lai, ngành dệt may Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Dự đoán năm 2012, dệt may sẽ tăng trưởng với tỷ lệ 25%, và đạt tổng doanh thu 25 tỷ USD”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng VP phía Nam Vitas trả lời báo chí bên lề Hội thảo
Nhưng ông Tuấn cũng cho biết: “Để tạo dựng một ngành công nghiệp dệt may phát triển ổn định và bền vững là một chặng đường dài, đầy khó khăn, thách thức. Điều này buộc các cấp, ngành, doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn vào thị trường nội địa, tích cực mở rộng thị trường và thương hiệu dệt may Việt Nam ở nước ngoài. Đưa vào phương thức sản xuất chuỗi liên kết ngang, đồng thời đẩy mạnh khâu nhuộm và hoàn tất”.
Cũng như ông Tuấn, ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP. HCM (Hawa) cho biết: “Hiện nay Việt Nam đang đứng thứ hai ở châu Á về sản xuất đồ gỗ sau Trung Quốc. Với khoảng 90 doanh nghiệp tư nhân, gần 600 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và 120 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu của ngành liên tục tăng, từ 219 triệu USD năm 2000 lên hơn 3,9 tỷ USD năm 2011. Tính riêng quý I/2012, đã đạt gần 1 tỷ USD trong dự kiến tổng cả năm 2012 là 4 tỷ USD”.
Theo ông Mạnh, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang manh nha tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của ngành trên toàn cầu, và trong tương lai sẽ là một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi giá trị này. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, ngành chế biến gỗ Việt Nam cần phải khắc phục các hạn chế như: tính tự phát, manh mún, quy mô nhỏ lẻ, nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám chưa cao, thiếu thông tin thị trường, xu hướng, thiếu nguồn cung gỗ,…
Ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP. HCM trả lời báo chí
Giải pháp ông Mạnh đưa ra là: “Tạo đột phá trong khâu xúc tiến thương mại, tìm cơ hội để xây dựng và đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, nhà nước cần có chính sách tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ nên thâm nhập sâu hơn vào các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cũng đã trình bày thực trạng và triển vọng của ngành công nghiệp đang “hâm nóng” dư luận suốt thời gian qua về nhiều thông tin trên báo chí này. Theo ông Hòe: “Xuất khẩu thủy sản đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của cả nước. Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu với 6,93% năm 2011. Dự kiến năm 2012, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 6,5 tỷ USD. Riêng trong ba tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 1,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2011”.
Ông Hòe chia sẻ: “Hạn chế và thách thức lớn nhất của ngành hiện nay là chất lượng nguyên liệu không đảm bảo, nguồn nguyên liệu không ổn định, thiếu nguồn vốn đầu tư vùng nuôi và tái cấu trúc lại nhà xưởng, tác động từ các vụ kiện chống bán phá giá khiến yêu cầu từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn, thị trường giảm mạnh”. Chính vì vậy, để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản cần cải thiện những hạn chế trên.
Cũng tại Hội thảo, ông Lê Quốc Bảo – Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam đã trình bày về những Quy định TBT và SPS của các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản,… Và ông Phạm Văn Chắt – Giảng viên cao cấp, Báo cáo viên Bộ Công thương về Hội nhập kinh tế quốc tế, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đã trình bày về thực trạng của hệ thống tạo thuận lợi thương mại trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu Việt Nam đối với ba ngành hàng: gỗ, thủy sản và dệt may.
Đến tham dự Hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng những vấn đề, thông tin trong nội dung Hội thảo rất ý nghĩa. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều biến động, khó khăn, rất nhiều quốc gia chọn giải pháp gia tăng xuất khẩu để có thể vượt qua khủng hoảng, khiến tính cạnh tranh ở nhiều thị trường xuất khẩu trở nên gay gắt hơn như hiện nay. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh thế khiến nhiều nước dựng rào cản thương mại để hạn chế hàng nhập khẩu khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn…
Nụ Phạm