“Mỹ là một thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường này sẽ ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn nữa do những quy định mới trong Luật sửa đổi bổ sung các quy định an toàn thực phẩm của FDA”. Đây là thông tin được đưa ra trong hội thảo “Cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức sáng ngày 20-4-2012.
Theo luật an toàn thực phẩm mới (FSMA), Cục An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể đình chỉ đăng ký của một cơ sở sản xuất thực phẩm, ngăn cản việc xuất khẩu vào Mỹ của bất kỳ công ty nước ngoài nào. Việc đăng ký có thể bị đình chỉ cho tới khi FDA xác định nguyên nhân đã được sửa chữa và không gây hậu quả nghiêm trọng về sau. Luật mới này cũng cho phép FDA chủ động lưu giữ thực phẩm tại biên giới trong 30 ngày nếu nghi ngờ sản phẩm lẫn tạp chất hoặc ghi sai nhãn thay vì chờ có bằng chứng xác thực.
Những nguyên nhân có thể khiến hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ có thể bị giữ lại là do hàng hóa “có lẫn tạp chất” như tạp chất, khuẩn ecoli, salmonella… hoặc ghi sai nhãn như quy tắc nhãn không dúng hay khuyến cáo không phù hợp. Ngoài ra, việc không khai báo thông tin điện tử theo yêu cầu cũng khiến hàng bị giữ lại cảng. Các thông tin điện tử phía FDA yêu cầu bao gồm đăng ký mã số nhà xuất khẩu, đăng ký quy trình sản xuất và thông báo trước lô hàng.
Thủy sản xuất khẩu sẽ chịu nhiều tác động từ FSMA
Không chỉ vậy, FSMA còn quy định các nhà xuất khẩu phải chịu những loại phí mới nếu bị FDA kiểm tra cơ sở. Chi phí cho việc kiểm tra này sẽ do chính các cơ sở bị kiểm tra chi trả. Theo ông David Lennarz, nguyên chuyên gia kỹ thuật cơ quan quản lý an toàn thực phẩm Mỹ (FDA) thì việc kiểm tra hay tái kiểm tra một cơ sở của FDA hoặc giữ một chuyến hàng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất kinh doanh của công ty.
Ông David Lennarz, nguyên chuyên gia kỹ thuật cơ quan quản lý an toàn thực phẩm Mỹ (FDA) phát biểu tại hội thảo
Ông David Lennarz cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư cho việc làm đúng các quy định của FDA sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra do hàng không đủ tiêu chuẩn khi bị FDA kiểm tra hoặc bị giữ lại. Bởi vì việc giữ hàng đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu phải chi trả các chi phí lưu bãi, phí kiểm tra trong phòng thí nghiệm, phí kho hàng, phí vận chuyển hàng bị trả về…
Thanh Long