Bức tranh bi quan về tăng trưởng của Việt Nam đối lập với kết quả xuất khẩu rất đáng ghi nhận của Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, với tốc độ tăng trưởng 34,2% trong năm 2011, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các nước đang phát triển ở Đông Á, bỏ xa Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai. Kết quả này lặp lại trong 5 tháng đầu năm 2012 với mức tăng trưởng xuất khẩu 25,8% so với cùng kì.
Một điều thú vị là kể từ năm 2010, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ đối với các mặt hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao hơn như điện thoại, máy tính và hàng điện tử - một lĩnh vực mà dường như các nước đang phát triển khác ở châu Á có thành tích kém hơn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Trong 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao như điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện luôn đứng hàng đầu. Cụ thể 5 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,7 tỷ USD, tăng 110,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,7 tỷ USD, tăng 99,3%;
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, trong vòng vài năm trở lại đây, điện thoại di động và các phụ kiện đi kèm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau dệt may), chiếm đến 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Dù các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, nhưng rõ ràng Việt Nam cũng đang đặt nền móng cho việc chuyển sang các sản phẩm chế tạo có giá trị gia tăng cao.
Với hoạt động sản xuất bắt đầu khởi động ở một loạt công ty sản xuất điện thoại và phụ kiện di động như Samsung, Foxconn, và Nokia (đang xây dựng), xuất khẩu điện thoại di động và phụ kiện cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm vừa qua, mặc dù đi lên từ một xuất phát điểm thấp.
Với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng trưởng 7,7% trong 5 tháng đầu năm năm 2012, trong khi điện thoại và phụ kiện di động tăng trưởng 110,9% so với cùng kỳ- điện thoại di động và phụ kiện dự kiến sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2013.
Ngoài ra, Việt Nam ngày càng vươn lên trong vai trò xuất khẩu hàng điện và điện tử trong bối cảnh cả khu vực Đông Á hoạt động giảm sút trong lĩnh vực này. Đặc biệt, xuất khẩu máy tính và máy văn phòng của cả khu vực tăng trưởng rất ít, chỉ đạt mức 2,4% theo giá trị danh nghĩa trong năm 2011 so với mức tăng trưởng của Việt Nam vào khoảng 30%.
Tương tự, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu máy móc và thiết bị điện và thiết bị máy viễn thông của cả khu vực chỉ còn ở mức 40-60% so với mức tăng trưởng bình quân trước khủng hoảng, trong khi tăng trưởng của Việt Nam trong ngành hàng này là 98,4% trong năm 2011. Bên cạnh đó, Philippines vốn là nước xuất khẩu nhiều nhất hàng điện tử ở Đông Á- Thái Bình Dương lại có kết quả xuất khẩu kém nhất khu vực trong năm ngoái.
Dường như, bất chấp những vấn đề mất ổn định kinh tế vĩ mô gần đây, Việt Nam vẫn có khả năng thu hút và giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài có mối quan tâm lâu dài đối với các sản phẩm chế tạo có giá trị cao như hàng điện tử, máy tính và điện thoại di động và phụ kiện.
Theo thuongmai.vn