Đến tham dự cuộc họp lấy ý kiến dự thảo đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn từ năm 2013” do bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức sáng 10.7 tại Hà Nội, nhiều vị lãnh đạo các tỉnh có khu kinh tế (KKT) không giấu được nỗi lo lắng KKT của địa phương mình có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi.
Sau khi nghe vụ trưởng vụ Quản lý các KKT Vũ Đại Thắng trình bày các tiêu chí lựa chọn KKT, ông Huỳnh Thanh Điền, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đứng lên lập luận: KKT Đông Nam của tỉnh Nghệ An là một khu động lực phát triển cho TP Vinh và cả tỉnh trong thời gian tới. Với vị trí chiến lược, xét về kết nối với Lào, sang Đông Bắc Thái Lan, hình thành hành lang Đông Tây, Nghệ An được coi là đầu tàu tăng trưởng của cả Bắc Trung bộ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiên quyết khẳng định sự cần thiết đưa KKT Đông Nam có mặt trong nhóm dự án được ưu tiên mà bộ Kế hoạch và đầu tư đang xem xét. Ông Điền cũng gây ngạc nhiên cho cả hội trường khi nhấn mạnh thêm, “Nghệ An là tỉnh nghèo và còn là quê hương của Bác Hồ!”
Tiếp đó, trưởng ban quản lý KKT tỉnh Bình Định cho rằng, bộ Kế hoạch và đầu tư nên cân nhắc thêm “chỉ tiêu nghịch”, cân nhắc cho các tỉnh có khó khăn, ví dụ như Bình Định thu ngân sách eo hẹp, có khi phải đi vay để chi cho giải phóng mặt bằng. Trong khi có tỉnh thu được 20.000 – 30.000 tỉ đồng, nếu được ưu tiên thì “anh thuận lợi càng thuận lợi, anh khó khăn càng khó khăn”.
Vị này cũng đề nghị cần phân kỳ ngắn hơn, nếu ghi chung chung là sau 2012 thì không khách quan, có thể bị đảo lộn về thứ hạng.
Chu Lai – Dung Quất, Đình Vũ – Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Ánh và Phú Quốc là năm nhóm khu kinh tế (KKT) ven biển được chọn để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn 2012 – 2015. Theo vụ Quản lý các KKT, hiện cả nước có 15 KKT ven biển gồm hai khu ở đồng bằng sông Hồng, mười khu ở vùng duyên hải miền Trung và ba khu ở đồng bằng sông Cửu Long. 15 khu có tổng diện tích hơn 662.249ha, trong đó chỉ có 8% là đất dành cho công nghiệp, dịch vụ. Do đó, ông Vũ Đại Thắng, vụ trưởng vụ Quản lý các KKT cho rằng điều đó phản biện lại ý kiến của một số nhà khoa học nói diện tích các KKT quá lớn, không biết đến bao giờ mới lấp đầy? |
Đại diện của KKT Trà Vinh cũng “cự nự”, tại sao năm KKT ven biển được chọn chủ yếu của các tỉnh miền Bắc và miền Trung, còn miền Tây không được lọt vô? Trong khi đó, “Trà Vinh là cửa ra của miền Tây đúng nghĩa luôn”.
Tưởng chừng ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tránh được “vết xe đổ” khi ông nói, “tôi cũng rất chia sẻ việc thêm thì dễ bớt thì khó, ai cũng mong cho địa phương mình, nhưng cần đặt lợi ích chung lên trên”. Thế nhưng, sau một hồi phân tích, ông lại quay về bảo vệ cho KKT Vân Đồn phải có tên trong danh sách được chọn bởi Vân Đồn có vị trí địa lý có thể tiếp cận thị trường lớn (Trung Quốc), đặc biệt nằm trong vịnh Hạ Long, là kỳ quan thế giới, có thể tạo lực để phát triển du lịch tầm quốc tế, phát triển các dự án casino…!
Tham gia góp ý với cuộc họp dưới sự chủ trì của thứ trưởng bộ Kế hoạch Nguyễn Văn Trung, ông Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam thừa nhận, khi cân đối lợi ích quốc gia thì chắc chắn có xung đột (giữa các tỉnh), “chuyện này vô cùng khó khăn và đau đớn”.
Đáng chú ý, ông Thiên cho rằng, nếu cứ nói KKT nào không hiệu quả thì dẹp đi thì quá dễ dàng. Cái khó nhất là bộ Kế hoạch và đầu tư phải có “mẹo” nào sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn đối với các KKT không được chọn vào danh sách. Việt Nam vẫn còn nghèo, các KKT dù không hiệu quả cũng là tài sản quốc gia, phải xem có cách nào sử dụng mới là đột phá. Việc này cần đồng thời làm luôn với việc lọc ra các KKT để tập trung đầu tư thời gian tới.
Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, cái yếu của Việt Nam hiện nay là chưa hình thành nên chân dung ngành công nghiệp Việt Nam là cái gì trong mười năm tiếp theo, mà đẳng cấp cũng rất thấp. Do đó, các KKT phải làm nhiệm vụ đó, định dạng chân dung công nghiệp của Việt Nam, chẳng hạn như hình thành cụm sản xuất thiết bị y tế cao cấp ở khu vực gắn với nhu cầu chữa bệnh cao ở khu vực miền Trung…
Theo SGTT