Ngay từ đầu năm, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành tương đối ổn định.
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm hoàn thành đúng dự kiến, đạt trên 9 tỷ USD, tăng 15-16% so với cùng kỳ. 6 tháng cuối năm, ngành dệt may đề ra mục tiêu xuất khẩu khoảng 19,5 tỷ USD. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, từ nay đến cuối năm còn có nhiều tín hiệu tốt cho ngành dệt may.
Bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, ngành dệt may đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu tốt là do ngay từ đầu năm tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành tương đối ổn định.
Các doanh nghiệp cũng có sự chuẩn bị khá tốt về nhân lực, nguyên phụ liệu cho sản xuất. Hiện, các đơn hàng xuất khẩu đã được ký đến hết quý 3, thậm chí đã ký đến cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp tích cực tận dụng cơ hội mở rộng thị trường mới sang các nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực châu Phi, Trung Đông, trong khi vẫn duy trì được các bạn hàng cũ trước đây là Nga, Đông Âu, Mỹ, Nhật Bản, EU...
Ngoài ra, do được đánh giá cao về thực hiện trách nhiệm xã hội, nên nhiều nhà nhập khẩu lớn, nhất là các nhà nhập khẩu Nhật Bản tìm đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
"Năm nay, thị trường xuất khẩu thuận lợi. Các nước cùng cung ứng dệt may có khó khăn, các đơn hàng chuyển dịch sang Việt Nam. 6 tháng cuối năm thị trường có tín hiệu tốt về đơn hàng. Phấn đấu đạt 19-19,5 tỷ USD. Bên cạnh các điều kiện về mặt thị trường, nguồn lực, Chính phủ cần có chính sách giữ lạm phát thấp, giảm chi đầu vào giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh", bà Đặng Phương Dung nói.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong khi xuất khẩu tăng trưởng tốt thì thị trường nội địa 6 tháng đầu năm 2013 lại có mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, chỉ tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, doanh thu tăng nhưng hiệu quả của hệ thống tiêu thụ nội địa kém hơn so với năm trước.
Theo VOV