Nếu giá lúa gạo trong nước giảm mạnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ thu mua thêm lúa gạo tạm trữ để giữ giá lúa không dưới 5.000 đồng/kg.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong tháng 3 đã xuất khẩu được 751.591 tấn gạo, trị giá 347,44 triệu USD. Từ ngày 1-1 đến 31-3, cả nước đã xuất khẩu 1,849 triệu tấn gạo, trị giá 884,043 triệu USD.
Nhiều hợp đồng
Đến thời điểm này, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 965.259 ha/1,569 triệu ha lúa đông xuân. Sau một thời gian giảm khá mạnh, tuần qua, giá lúa đã tăng trở lại. Cụ thể, lúa thường lên 5.700 đồng - 5.800 đồng/kg, lúa hạt dài từ 5.900 đồng - 6.100 đồng/kg (tăng từ 500 đồng đến 600 đồng/kg). Theo đó, giá thu mua gạo nguyên liệu của các doanh nghiệp cũng tăng tương ứng, gạo nguyên liệu dùng để chế biến gạo 5% tấm lên 7.650 đồng - 7.800 đồng/kg.
Giá gạo thành phẩm loại 5% tấm giao tại mạn tàu (không có bao bì) lên 9.100 đồng - 9.200 đồng/kg. Giá lúa gạo tăng là do các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa gạo tạm trữ (theo kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho vụ đông xuân). Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã thực hiện hơn 50% kế hoạch tạm trữ. Theo VFA, đến ngày 15-4, hơn 65 doanh nghiệp tham gia thu mua lúa gạo tạm trữ sẽ hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa có thêm một số hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung với số lượng lớn.
Cũng theo VFA, giữa tháng 3 vừa rồi, hợp đồng cấp chính phủ xuất 200.000 tấn gạo (loại gạo 25% tấm) sang Philippines đã được ký kết. Ngoài hợp đồng cấp Chính phủ, các thành viên của VFA đang đàm phán với các thương nhân Philippines để thực hiện các hợp đồng thương mại với số lượng xuất khoảng 660.000 tấn gạo.
Dự kiến, đầu tháng 4 này, Philippines sẽ nhập khẩu gạo kéo dài cho đến tháng 6. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua của Việt Nam 400.000 tấn gạo. Các doanh nghiệp trong nước đang thực hiện hợp đồng này đã phần nào đẩy giá lúa gạo trong nước tăng. Ngoài ra, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, Cuba cũng vừa ký hợp đồng cấp chính phủ với Việt Nam để nhập 250.000 tấn gạo. Bangladesh đang đàm phán để mua của Việt Nam khoảng 100.000 tấn - 200.000 tấn gạo.
Tìm thêm thị trường mới
Thông tin việc Indonesia ngừng nhập khẩu gạo từ ngày 31-3 là không bất thường vì thông thường, hằng năm, họ chỉ có nhu cầu nhập khẩu gạo đến tháng 2 hoặc một ít trong tháng 3. Vào thời điểm này, Indonesia phải chuẩn bị thu mua lúa gạo trong nước do vào thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, lượng gạo tồn kho của họ cho đến thời điểm này đã tạm đủ cho khoảng 5 tháng tới. Theo VFA, khi Indonesia thu hoạch xong vụ mùa, nước này sẽ có nhu cầu nhập khẩu mạnh trở lại. Thông thường, thời điểm nhập khẩu gạo của Indonesia tập trung trong hai tháng 6 và 7 với số lượng lớn.
Ông Trương Thanh Phong cho biết thêm Tổng cục Dự trữ quốc gia Việt Nam đã đấu thầu mua 160.000 tấn gạo để dự trữ và sẽ còn đấu thầu mua thêm 100.000 tấn. Từ những thông tin trên cho thấy tình hình xuất khẩu cũng như tiêu thụ gạo trong nước đang chiều hướng tích cực. Theo ông Phong, thời gian tới, nếu giá lúa gạo trong nước giảm mạnh, VFA sẽ can thiệp bằng cách tiếp tục thu mua thêm lúa gạo tạm trữ để giữ giá lúa không dưới 5.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Phong, nếu tình hình chính trị ở châu Phi được cải thiện trong thời gian tới sẽ tạo cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam sang khu vực này tăng mạnh. VFA cố gắng điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt cũng như tìm kiếm thêm các thị trường mới để bảo đảm thu mua hết lượng lúa gạo trong dân, không để giá xuống thấp.
Theo NLĐ Online