Xuất
khẩu gạo thơm đang có tín hiệu khả quan. Song Việt Nam cũng rất khó chen chân
vào “khe cửa hẹp” này nếu không xác định hướng đi hợp lý.
Năm
2011, Việt Nam xuất khẩu trên 400.000 tấn gạo thơm, cao nhất từ trước đến nay,
với giá bản khoảng 700 USD/tấn. Đây là một trong những điểm đáng chú ý nhất của
ngành lúa gạo trong năm qua vì từ trước đến nay lượng gạo thơm xuất khẩu gần
như không đáng kể. Kế hoạch của mặt hàng này năm nay sẽ đạt khoảng 500.000 tấn.
Ngành
nông nghiệp khuyến khích mở rộng sản xuất lúa thơm trong vụ đông xuân do điều
kiện thời tiết thuận lợi - Ảnh: Chí Nhân
Ngay
từ đầu năm, hoạt động xuất khẩu gạo thơm đã trở nên sôi động. Theo Hiệp hội
Lương thực VN (VFA), trong tháng 1 đã xuất được gần 18.000 tấn. Ông Nguyễn
Trung Kiên, Phó chủ tịch VFA, cho biết: “Giá gạo thơm đặc sản của Việt Nam đang
ở mức từ 780 - 800 USD/tấn, còn gạo thơm thường từ 650 - 700 USD/tấn. Hồng
Kông, Trung Quốc và Úc vẫn là những bạn hàng chính và khả năng mở rộng thị trường
ở những nơi này còn rất lớn. Gạo thơm Việt Nam có tính cạnh tranh cao nhờ chất
lượng tốt không thua kém gì gạo Thái Lan mà giá lại thấp hơn từ 100 - 150 USD/tấn”.
Các
doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay sẽ tập trung mở rộng thị phần ở thị trường
Trung Quốc vì đây là quốc gia đông dân nhất thế giới và có thói quen tiêu thụ gạo
giống Việt Nam. Cũng theo ông Kiên, để việc mở rộng thị trường thành công thì
điều quan trọng là cần phải duy trì chất lượng gạo thơm, chất lượng giữa các lô
hàng khác nhau cũng phải đồng đều.
Để
cạnh tranh tốt
Đánh
giá về khả năng phát triển của gạo thơm Việt Nam, GS TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng: “Số lượng gạo giao dịch
trên thị trường thế giới mỗi năm khoảng 30 triệu tấn, trong số này gạo thơm chỉ
có khoảng 2 triệu tấn. Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường đối với mặt
hàng này là rất nhỏ. Từ trước đến nay Thái Lan, Ấn Độ và kể cả Pakistan đã chiếm
lĩnh gần như toàn bộ phân khúc này. Do đó, việc chúng ta chen chân vào là rất
khó khăn nên cần phải thận trọng lựa chọn hướng đi riêng”.
Theo
GS Bửu, cần chia thị trường gạo thơm thành 2 dạng là gạo thơm đặc sản (truyền
thống) và gạo thơm cao sản (được lai tạo). Ở phân khúc gạo thơm đặc sản có thể
kể đến như: Basmati của Ấn Độ và Pakistan, Khaodakmali của Thái Lan hay Nàng
thơm chợ Đào của Việt Nam. Trên thị trường thế giới, những loại gạo này có giá
rất cao, từ 4 - 5 USD/kg. Tuy nhiên, VN không thể cạnh tranh được ở phân khúc
này vì chất lượng gạo của các nước rất cao và chiếm lĩnh gần hết thị trường.
GS
Bửu phân tích, định hướng của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn là phát triển
sản xuất và xuất khẩu lúa thơm cao sản. Đây là loại lúa thơm được con người lai
tạo, có sản lượng cao - khoảng 5 tấn/ha và sau 30 năm, các nhà khoa học Việt
Nam đã lai tạo được một số giống như: OM 4900, OM 6161, OM6162… Chất lượng của
gạo thơm cao sản Việt Nam không thua kém Thái Lan. Tuy giá bán có thấp hơn gạo
thơm đặc sản nhưng ở phân khúc này thị trường rộng và không quá khắt khe về vấn
đề chất lượng. “Chúng ta có thể cạnh tranh tốt với họ ở phân khúc này”, GS Bửu
khẳng định.
Theo TNO