Không ít doanh nghiệp logistics đã lên kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) để tăng cường tiềm lực và khả năng cạnh tranh trước khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường này vào năm 2014.
Với số lượng lớn, nhưng quy mô quá nhỏ, điều làm các doanh nghiệp (DN) logistics trong nước lo lắng nhất hiện nay là từ ngày 1/1/2014, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn lĩnh vực này theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, DN nước ngoài sẽ được phép thành lập công ty 100% vốn để kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam. Đứng trước tình thế đó, nhiều DN nội đã lên kế hoạch M&A để nâng cao vị thế trước sức ép cạnh tranh gay gắt.
Điển hình, Công ty cổ phần Gemadept Logistics (GMD) đã xác định mục tiêu tái cấu trúc mạnh mẽ trong 2 - 3 năm tới. GMD hiện hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực là khai thác cảng, vận tải biển, bất động sản và trồng cao su, nhưng DN này đã xác định, nguồn thu chính trong năm nay sẽ đến từ khai thác cảng và vận tải biển. Trong đó, khai thác cảng sẽ bao gồm: Cảng Phước Long, GML Cái Mép, Nam Hải Đình Vũ, Nam Hải, Dung Quất và Cảng GMD Hoa Sen. Hoạt động logistics gồm: phân phối, vận tải biển, vận tải đường bộ, đại lý giao nhận, vận tải hàng dự án và ga hàng hóa hàng không.
Điểm nhấn của GMD khi quay về lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là Dự án Cảng Nam Hải - Đình Vũ, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2013. Cảng này có diện tích bãi, cầu tàu gấp 3 lần Cảng Nam Hải (Hải Phòng) của GMD. Cảng sẽ đáp ứng nhu cầu tại thị trường phía Bắc tăng đáng kể do chiều hướng hàng hóa xuất đi Trung Quốc đang tăng trở lại.
"Đặc biệt, cùng với việc hoàn thành Cảng Nam Hải - Đình Vũ, GMD cũng đang tiến hành M&A với một số công ty có cơ sở hạ tầng tốt trong lĩnh vực logistics", ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc GMD cho biết.
Một công ty khác trong ngành này đang nỗ lực tái cơ cấu là Công ty Dịch vụ thương mại Minh Phương. Minh Phương có mức tăng trưởng bình quân 30%/năm và là đối thủ đáng gờm đối với bất kỳ DN nội địa nào muốn tham gia lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, Minh Phương cũng không tránh khỏi việc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường logistics. "Về chiến lược dài hạn, chúng tôi có thể tính đến giải pháp M&A để tăng vị thế", bà Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Phương nói.
Theo bà Phương, để kinh doanh dịch vụ logistics chuyên nghiệp, cần phải đầu tư lớn. Minh Phương đã đầu tư cả chục triệu USD để sở hữu hơn 100 đầu kéo container, hàng chục xe chuyên chở nhỏ, một kho bãi rộng 12.000 m2. Đây cũng chính là lợi thế để Minh Phương tìm kiếm đối tác.
"Các công ty logistics có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu thuê lại và hoạt động dựa trên chiến lược ít đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nên họ sẽ nhắm tới những công ty nội địa sở hữu hệ thống kho bãi tốt như Minh Phương", ông Jan Tomczyk, chuyên gia cao cấp, Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên III (MUTRAP III) nhận định.
Cũng theo ông Jan Tomczyk, một lý do quan trọng để ông tin tưởng sẽ có những thương vụ M&A trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 20 - 25%/năm nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu và ngành bán lẻ có mức tăng trưởng khá cao. Dự kiến, khối lượng hàng hóa qua cảng biển từ nay đến năm 2015 tăng từ 280 triệu tấn/năm lên 500 - 600 triệu tấn/năm, năm 2020 đạt 900 – 1.100 triệu tấn, năm 2030 dự kiến 1.600 – 2.100 triệu tấn. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, song các DN logistics Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường do năng lực còn hạn chế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, để cạnh tranh được với DN nước ngoài khi thị trường mở cửa, các DN logistics trong nước cần tính ngay đến phương án cộng hưởng sức mạnh để sở hữu cơ sở hạ tầng, nguồn lao động, công nghệ quản lý chuyên nghiệp...
Theo thuongmai.vn