Số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ 1/1 đến 15/3/2013, xuất khẩu cá tra sang Ấn Độ đạt 2,7 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2012.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2012 xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Ấn Độ tăng mạnh và xu hướng này vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2013.
Ấn Độ nhập khẩu một lượng lớn cá tra từ Việt Nam để tiêu thụ tại các cửa hàng thủy sản nội địa. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng trên tàu điện ngầm lớn như Mumbai và Delhi đều bán sản phẩm cá tra. Một số lượng lớn các siêu thị tại những thành phố lớn cũng đang bán cá tra cắt lát đóng gói.
Một số nông dân và doanh nghiệp tại Ấn Độ đã bắt đầu nuôi một số loài cá nước ngọt trong đó có cá da trơn. Diện tích ao nuôi cá da trơn trung bình là 2 ha với độ sâu 2-2,5m, mật độ thả giống 1-1,2 con/m2. Đây được coi là mô hình nuôi bền vững và thân thện với môi trường. Khô đậu tương là thức ăn chính của cá da trơn. Một số người nông dân tại Andhra Pradesh nuôi cá da trơn trên một quy mô lớn, năng suất tại Andhra đạt 50 tấn/ha. Đây là năng suất đầy hứa hẹn so với các loại khác như tôm càng và tôm hùm đen. Tuy nhiên, cá da trơn nuôi ở địa phương chỉ có thể tiêu thụ tại thị trường nội địa vì cỡ cá lớn không phù hợp với tiêu chuẩn cá philê xuất khẩu.
Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cá tươi và phile cá đông lạnh. Chính vì vậy, cá tươi (mã HS 0302) là mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt cao nhất trong số các mặt hàng thủy sản nguyên liệu (mã HS03) xuất khẩu vào Ấn Độ, tiếp đến là phile cá đông lạnh (mã HS0304); tôm và giáp xác (mã HS0306); nhuyễn thể (mã HS0307).
Theo VOV online