Mạng asianewsnet.net ngày 5/4 đưa tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo trong quý II năm nay, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm lên 3,65 triệu tấn.
Phát biểu tại một hội nghị được tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thư ký VFA Huỳnh Minh Huệ thông báo rằng các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 1,45 triệu tấn gạo, đạt trị giá 641,3 triệu USD theo giá FOB (giao hàng qua mạn tàu) trong quý I, năm 2013.Điều này có nghĩa là xuất khẩu gạo đã tăng 35,1% về khối lượng và 22,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Huệ cho biết, với nguồn cung dồi dào trên thị trường thế giới, giá xuất khẩu bình quân trong giai đoạn này vào khoảng 442 USD/tấn, giảm 44,5 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.Các nước châu Á và châu Phi vẫn là những khách hàng chính với tỷ lệ mua tương ứng khoảng 66,3% và 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.Trong thời gian này, xuất khẩu gạo chất lượng cao và và gạo thơm chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi gạo có chất lượng trung bình chiếm 31,7%.
Cuối tháng trước, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo và đã xuất khẩu được 1,45 triệu tấn. Như vậy, còn 2,12 triệu tấn sẽ được giao vào đầu tháng Tư.
Theo ông Huệ và các đại biểu khác tham gia hội nghị, giá gạo thế giới có khả năng sẽ không tăng trong những tháng tới do nguồn cung dồi dào. Thái Lan và Ấn Độ, hai nước xuất khẩu gạo xếp vào hàng lớn nhất thế giới, vẫn còn lượng gạo tồn kho lớn, vì thế họ sẽ tìm cách giảm lượng gạo tồn kho của mình và việc này tạo thêm áp lực lên giá gạo trên thị trường.Tuy nhiên, ông Lê Viết Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Mekong – Cần Thơ, cho biết không có gì cấp bách để Việt Nam hạ giá xuất khẩu "vì giá của chúng ta đang ở mức thấp và gạo của chúng ta mới và có chất lượng ổn định."
Đồng tình với ý kiến này, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết Hiệp hội lương thực Việt Nam sẽ điều chỉnh giá bán một cách linh hoạt.Châu Á và châu Phi vẫn sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam.Tuy nhiên, lúc này loại gạo chất lượng thấp gặp khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường châu Phi vì loại gạo này không đủ khả năng cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan, ông Phong cho biết.
Theo ông, "nhu cầu từ các thị trường truyền thống đối với gạo Việt Nam dự kiến sẽ cải thiện trong quý II."Ngoài ra, gần đây Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Cộng hòa Guinea để mỗi năm xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang quốc gia châu Phi này cho đến hết năm 2015."Tôi tin rằng ngành nông nghiệp sẽ đáp ứng mục tiêu xuất khẩu đề ra trong quý II," ông Phong nhấn mạnh. Ông kêu gọi các doanh nghiệp theo dõi sát sao những thay đổi trên thị trường gạo thế giới để vạch ra kế hoạch xuất khẩu một cách phù hợp.
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp đã yêu cầu hiệp hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng gạo thơm để giữ danh tiếng cho loại gạo này trên thị trường thế giới.
Về chương trình quốc gia mua tạm trữ một triệu tấn gạo, ông cho biết các doanh nghiệp đã hoàn thành việc mua trữ đúng như dự kiến. Chương trình này đã giúp bình ổn giá gạo đồng thời đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.Theo ông Phong, "từ giờ cho đến tháng Năm, giá gạo trên thị trường trong nước được dự báo không có biến động".
Theo Cục Thông tin Đối ngoại