Dẫn nguồn Công Thương, nhận định của Bộ Công Thương tại cuộc giao ban trực tuyến tháng 9 tổ chức ngày 30/9/2013, xuất khẩu năm 2013 sẽ vượt mục tiêu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cao hơn 4% chỉ tiêu Quốc hội giao và vượt 14% so với năm 2012.
Theo đánh giá chung, trong bối cảnh xuất khẩu nhóm thủy sản, nông sản, nhiên liệu, khoáng sản đều giảm thì xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đã và vẫn đang đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu với mức tăng 9 tháng lên đến 26,4%, chiếm tỷ trọng 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Riêng đối với các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ…, tuy quy mô xuất khẩu lớn song tốc độ tăng thấp đã cho thấy sự khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 96,46 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá, với kim ngạch bình quân 1 tháng 10,7 tỷ USD (mức cao nhất từ trước đến nay) cộng với đà tăng trưởng mạnh những tháng còn lại của năm, khả năng cả năm kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt con số 131 tỷ USD, vượt mục tiêu 126,1 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu cả năm dự kiến ở mức 131,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu còn có thể cao hơn nếu không có việc hụt trên 2,8 tỷ USD từ việc giảm giá ở hai nhóm hàng nông, thủy sản và khoáng sản.
Liên quan đến xuất khẩu gạo, hiện cả nước đã xuất được khoảng 6 triệu tấn. Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và đến nay đã cấp phép cho 32 đầu mối. Bộ Công Thương cho biết, việc cấp phép cho các đầu mối chỉ được tiến hành khi đã bảo đảm đủ các tiêu chí và không chấp nhận việc “nợ” thủ tục. Một diễn biến khác cũng liên quan đến xuất khẩu gạo là phía Trung Quốc đã chuyển cho Việt Nam danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu gạo từ nước ta.
9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 96,58 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 15,1% so với cùng kỳ cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thông qua việc doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và đầu tư.
Một nét đáng chú ý trong xuất khẩu 9 tháng là thị trường châu Âu có mức tăng trưởng ngoạn mục, lên đến 21,9%, xếp thứ hai trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau châu Á.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một trong những khó khăn liên quan đến hỗ trợ xuất khẩu là Bộ Tài chính chưa ban hành thông tư hướng dẫn những quy định mới liên quan đến việc nộp thuế và bảo lãnh thuế. Mặt khác, hiện lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh nhưng tiếp cận vẫn khó khăn, bên cạnh việc có tài sản thế chấp, doanh nghiệp còn cần trình ra phương án kinh doanh hiệu quả. Trong khi đó, việc thẩm định của cán bộ ngân hàng còn kéo dài, khiến doanh nghiệp mất cơ hội làm ăn.
Những tháng còn lại của năm, Bộ sẽ tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai các giải pháp trong Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, trong khi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nêu trong chiến lược là 11- 12%/năm thì thực tế đã đạt 16,3-16,5%/năm.
Theo vinanet