|
Với nhiều khoản thu phụ phí, trong đó có những khoản thu bất hợp lý, lại tăng giá phí theo hàng năm, các hãng tàu nước ngoài đã “bỏ túi” hàng chục, hàng trăm ngàn USD. Ngược lại, các DN xuất khẩu Việt Nam phải cam chịu chi trả vì không còn cách lựa chọn.
Theo khảo sát của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đảm nhận vận chuyển khoảng 88% khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu; trong đó đảm nhận gần 100% hàng hoá xuất khẩu đóng trong container xuất, nhập từ các thị trường như châu Âu, châu Mỹ, Bắc Mỹ. Với tình trạng phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu biển nước ngoài, các DN xuất khẩu Việt Nam bị áp đặt thu rất nhiều các loại phụ phí khác nhau. Hiện có khoảng 15 loại phụ phí các hãng tàu đang áp dụng thu như phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi, phí hoá đơn… Theo rà soát của Cục Hàng hải Việt Nam, các hãng tàu đang thu một số phụ phí bất hợp lý, không đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế như: phí vệ sinh, sửa chữa container, phí hoá đơn…
Nói về vấn đề thu phụ phí của các hãng tàu nước ngoài, bà Phan Kim Luyến, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) bức xúc cho biết, một số loại phụ phí được phép thu theo thông lệ quốc tế khi phát sinh hiện tượng như phí tắc nghẽn cảng, phụ phí xăng dầu nhưng hãng tàu thường lợi dụng để kéo dài thời gian thu phí khi hiện tượng phát sinh đã chấm dứt.
Việc thu phụ phí một cách tự phát và không có cơ sở pháp lý của các hãng tàu tồn tại từ nhiều năm qua, làm thiệt hại lớn cho các DN xuất nhập khẩu. Đồng thời, các loại phụ phí này cũng tăng theo thời gian, trung bình mỗi năm tăng khoảng 15%. Việc thu nhiều khoản phí gây nhiều khó khăn cho DN khi phải mất thêm một khoản chi phí không được tính toán trong hợp đồng. “Trong 3 năm trở lại đây, có khoảng mười mấy loại phụ phí mà hãng tàu thu của DN, trước kia, số tiền thu phụ phí chỉ từ 100 - 120 USD/container, nay đã lên đến 500 USD. Mỗi năm, Coimex xuất khoảng 1.200 container, số tiền thu phụ phí khoảng 600.000 USD, trong đó, khoản thu bất hợp lý là gần 1,5 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí rất lớn ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp” – bà Luyến phân tích.
Đại diện một DN xuất khẩu hải sản khác cho biết thêm, trên thực tế, khi đàm phán giá cước vận chuyển, các đại lý hãng tàu không đưa các phụ phí vào nên thấy giá hợp lý. Tuy nhiên, khi cộng các khoản phí, tổng giá vận chuyển cho một container lên rất cao, thậm chí có những khoản phí mà bên chịu phải là các hãng tàu nhưng cũng bắt chủ hàng chịu như: phí cắm điện tại cảng do tàu vào trễ. Ông Nguyễn Công Huyên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cũng than phiền nhiều khoản phí mà các hãng tàu thu hiện nay là rất bất cập. Ví dụ, phí xếp container là bất hợp lý do chủ hàng không phải là người xếp mà phải nộp. Hiện nay chủ hàng phải trả cho chủ tàu tiền phí vận đơn khoảng 1 triệu đồng/vận đơn, trong khi theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, phí này thuộc nghĩa vụ của người vận chuyển, người giao hàng.
Biết việc trả phụ phí bất hợp lý nhưng các DN không còn cách lựa chọn nào vì phải xuất hàng theo hợp đồng đã ký kết cho đối tác nước ngoài. Để bảo đảm giá cả cạnh tranh, các DN đã tiết kiệm chi phí sản xuất mỗi thứ một chút, nhưng chính những khoản thu phụ phí bất hợp lý từ các hãng tàu đã làm tăng chi phí cho DN, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa, giảm hiệu quả kinh doanh. “Để loại bỏ phụ phí bất hợp lý, mang lại công bằng cho DN xuất nhập khẩu Việt Nam và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, các hiệp hội và Bộ GT-VT cần can thiệp, làm việc trực tiếp với hãng tàu nước ngoài, đại lý hãng tàu để rà soát, phân loại cụ thể các loại phụ phí bất hợp lý, phụ phí theo giá cước, phụ phí được phép thu theo thông lệ quốc tế” – ông Nguyễn Công Huyên đề xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công, quan điểm của Bộ GT-VT là đấu tranh quyết liệt để giảm chi phí bất hợp lý cho chủ hàng Việt Nam. Cái gì thông lệ quốc tế có, không trái với Luật của Việt Nam thì chấp nhận, nhưng mức thu, thời điểm thu như thế nào cũng phải có Hiệp hội đứng ra đàm phán. Bộ GT-VT sẽ phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công thương… yêu cầu chủ tàu, các đại lý phải giải trình cho minh bạch căn cứ thu, dừng thu ngay những loại phí, lệ phí nào bất hợp lý. |
Theo báo Bảo vệ pháp luật.
|