|
Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nhất là đối với dệt may. Dự báo xuất khẩu dệt may sang thị trường này năm nay có thể đạt 11 tỷ USD
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm khoảng 50%. Và đây là thị trường mà hầu hết các nước xuất khẩu đều luôn mong muốn hàng hóa được "vào".
Riêng với ngành dệt may, trong 20 năm qua, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ con số không (0) đã tăng vọt lên 9,8 tỷ USD vào năm 2014. Và dự kiến với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, năm 2015, xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ có thể đạt 11 tỷ USD. Không chỉ vậy, nếu Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì con số này sẽ vượt gấp đôi.
TPP ký kết sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, trong đó lợi ích đầu tiên đó được giảm thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may. “Nếu đáp ứng yêu cầu xuất xứ thì hàng hóa của Việt Nam sẽ có sự cạnh tranh, bởi bình thường thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may là 15-16% nhưng khi có TPP thì thuế giảm xuống 7-8%”, bà Dung nói.
Tuy nhiên, TPP cũng yêu cầu cao về xuất xứ, đây là thách thức đối với doanh nghiệp dệt may bởi xuất phát điểm của ngành dệt may đang yếu trong khâu nguồn, tức là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu cho dệt may như vải, nhuộm... đang lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Chính vì vậy theo đại diện Vitas: “Cần sự nỗ lực của toàn ngành, xã hội và Chính phủ để thu hút được doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào điểm yếu nhất này; tăng cường liên kết trong ngành (giữa các nhà sản xuất trong nước với những nhà sản xuất nguyên phụ liệu) tận dụng thành phẩm của nhau để làm nguyên liệu dệt may. Có như vậy chúng ta mới đáp ứng xuất xứ để hưởng lợi từ các hiệp định.
Bà Julia K. Hughes, Chủ tịch Hiệp hội thời trang Mỹ cho rằng, nhiều công ty ở Mỹ có mong muốn sẽ tìm nguồn cung ứng từ nhiều quốc gia tham gia TTP khi Hiệp định này có hiệu lực và Việt Nam đang được xếp hạng cao nhất về khả năng thu hút các doanh nghiệp mới. Vì vậy, phía Việt Nam cần tận dụng cơ hội này.
Theo vinanet.
|