Chất lượng không ổn định cùng với việc không có thương hiệu
đã khiến sản phẩm chè của Việt Nam luôn bị ép giá khi xuất khẩu.
Tại hội nghị “Đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến và tiêu
thụ chè” ngày 12/1, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas)
đã thẳng thắn nhìn nhận: hiện Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và
xuất khẩu chè. Tuy nhiên, do chất lượng sản phẩm không ổn định lại không có
thương hiệu nên giá bán chè của Việt Nam chỉ bằng 60% giá bình quân thế giới.
Nguyên nhân được ông Tuân chỉ ra là cả nước hiện có 130.000
ha chè, nhưng do năng suất lao động thấp, diện tích sản xuất manh mún khiến thu
nhập của nông dân trồng chè chưa đảm bảo được cuộc sống nên khó có cơ hội đầu
tư vào cây chè.
Sản xuất công nghiệp khá thiếu lao động lành nghề. Công nghệ,
nhà xưởng thiếu vốn đề cải tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Thêm nữa, lại không ổn
định do thiếu nguyên liệu, những điều này đã dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa
đồng đều.
Thương mại chè thì bị phụ thuộc và lũng đoạn bởi khách hàng
trung gian nước ngoài. Mặc dù Việt Nam đã mở rộng được thị trường xuất khẩu chè
tới 70 nước và vùng lành thổ trên thế giới, nhưng sản phẩm luôn bị ép giá do
không có thương hiệu và chất lượng không ổn định.
Phần khác là vì chế tài quản lý về chất lượng sản phẩm còn
thiếu nên người sản xuất dễ bị tác động theo nhu cầu của thị trường thứ cấp tại
các cửa khẩu, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu và năng lực
sản xuất của các nhà máy chế biến cũng như uy tín của ngành.
Chè của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới lại chủ yếu dưới dạng
chè rời. Sản phẩm xuất khẩu có bao gói, nhãn mác còn rất hạn chế nên giá bán
thấp, chưa có thị trường ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, hiện nay có quá nhiều công ty tham giá xuất khẩu
chè. Nhiều công ty xuất khẩu tổng hợp không chuyên về chè, các công ty này
không gắn với cây chè, họ chỉ kinh doanh thuần túy, có lãi là làm nên sẵn sàng
chào bán các loại chè chất lượng thấp.
Do vậy, vị đại diện Vitas cho rằng, trong thời gian tới,
thách thức mà ngành chè phải đối mặt là không nhỏ. Thị trường ngày càng đòi hỏi
chất lượng cao và phải có các chứng chỉ quốc tế về bảo vệ môi trường và bảo vệ
người sản xuất... Trong khi đó, theo các dự báo cầu của thị trường có xu hướng
tăng chậm hơn khả năng tăng cung của chè toàn thế giới.
Trình độ canh tác, chế biến của các nước đang ngày càng vượt
xa hơn Việt Nam, đặc biệt là các nước châu Phi nơi chi phí lao động còn khá rẻ.
Như vậy, ngành chè Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều nước có trồng và
chế biến chè trên thế giới.
Trước thực trạng này, Vitas kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn cần sớm chủ trì chương trình “Cải tổ toàn diện ngành chè theo
hướng phát triển bền vững”.
Tiếp đến, cơ quan này cùng các địa phương tiếp tục tổ chức
công tác kiểm tra các cơ sở chế biến chè và có chế tài xử lý nghiêm đối với các
đơn vị không đủ điều kiện.
Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ thông qua các nguồn
vay ưu đãi của nước ngoài và ODA cho các chương trình phát triển nông nghiệp
bền vững giúp nông dân, doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp, thời
gian hoàn vốn dài để đầu tư cho vườn chè và nhà máy sản xuất.
Mới đây, ông Tuân cũng đã chia sẻ với báo giới, trong năm
2012, ngành chè sẽ không lấy số lượng xuất khẩu là mục tiêu mà sẽ quan tâm
nhiều hơn đến giá trị thực sự mà người dân trồng chè và doanh nghiệp có thể thu
được thông qua hoạt động xuất khẩu.
Vị chủ tịch này cho rằng, trong hành trình hướng đến một nền
sản xuất chè có trách nhiệm, ý thức của người nông dân, người sản xuất cần phải
được thay đổi đầu tiên. Do vậy, năm nay ngành chè sẽ đẩy mạnh thực hiện chương
trình “Vì sản phẩm trà an toàn, sản xuất có trách nhiệm”.
Theo INFOTV