Khối nghiên cứu
kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế vĩ mô châu Á quý 1-2012,
theo đó Việt Nam được xếp vào nhóm 26 nước tăng trưởng nhanh trong tốp 100 nền
kinh tế lớn nhất về quy mô vào năm 2050.
GDP tăng 5,7%
Báo cáo nêu rõ mặc
cho tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ và những điều kiện khó khăn
trong nước, đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt con số khá ấn tượng. Mức tăng
trưởng GDP trong quý 4-2011 đã tăng lên 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái (trong
khi mức tăng trưởng của quý 3-2011 là 6,1%) nhờ vào xuất khẩu tăng mạnh
và nhu cầu nội địa dồi dào). Tỉ lệ tăng trưởng GDP trong năm 2011 là 5,9% và kỳ
vọng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là 5,7% cho năm 2012, thấp hơn mục
tiêu của Chính phủ là 6-6,5%.
Theo báo cáo, xuất
khẩu tăng mạnh chủ yếu nhờ vào nhu cầu cao đối với các mặt hàng nông sản,
may mặc và dầu thô của Việt Nam, cũng như do giá hàng hóa gia tăng. Xuất khẩu
ước tính sẽ tăng thêm 24% trong năm 2012 so với năm 2011. Nhu cầu nhập khẩu còn
cao tiếp tục làm cho cán cân thương mại thâm hụt. Nhưng thâm hụt cán cân thương
mại của Việt Nam không phải là mối lo ngại chính yếu, vì từ trước tới nay lượng
thâm hụt này luôn được bù đắp từ dòng vốn FDI chảy vào (11,6 tỉ USD trong năm
2011).
Theo HSBC, trong
bối cảnh giá điện có khả năng tăng và suy giảm nguồn cung thực phẩm khu vực có
thể làm gia tăng áp lực lạm phát, tới cuối năm 2012 lạm phát được dự báo sẽ
giảm xuống còn một chữ số nhờ vào tác động mạnh của hiệu ứng cơ sở. Do đó,
nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất quy định từ 14% xuống 13% trong quý 1-2012 và
sau đó tiếp tục giảm còn 9% vào cuối năm 2012.
Đầu tư cũng được dự
báo là sẽ giảm trong năm 2012 do tín dụng bị siết chặt, tuy nhiên sẽ được
bù lại bởi nguồn vốn FDI chảy vào, nguồn vốn trước nay vẫn ổn định và đáng tin
cậy. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến việc thâm nhập thị trường
Việt Nam mới mẻ, bằng chứng cụ thể là dòng vốn FDI vững chắc trong năm 2011.
HSBC đánh giá tình
hình lạm phát luôn tăng của Việt Nam từ trước tới nay đã bộc lộ một số nhược
điểm cơ bản của cơ cấu nền kinh tế, cụ thể là từ những doanh nghiệp nhà nước,
đầu tư công và ngành ngân hàng. Chính phủ đã cam kết tăng cường hiệu quả đầu tư
bằng cách ban hành nhiều quy định đối với cả ba đối tượng nêu trên.
Tuy nhiên, tái cơ
cấu thật sự có diễn ra hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự kết hợp hài hòa
giữa các yếu tố kinh tế và chính trị, hiện thời không có vẻ lạm phát sẽ
giảm xuống nhanh chóng và tăng trưởng vẫn đang duy trì mạnh mẽ.
Tốp tăng trưởng
nhanh
Trong ấn phẩm Thế
giới đến năm 2050 của Khối nghiên cứu kinh tế - Ngân hàng HSBC,
tốp 100 nền kinh tế lớn nhất về quy mô vào năm 2050 được chia thành ba nhóm:
nhóm tăng trưởng nhanh bao gồm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng bình quân
hằng năm ước tính trên 5%; nhóm tăng trưởng gồm các quốc gia có tốc độ tăng
trưởng 3-5%; nhóm ổn định gồm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng thấp hơn
3% một năm.
Việt Nam được xếp
vào nhóm 26 nước tăng trưởng nhanh. Các quốc gia thuộc nhóm này mang cùng một
điểm chung là có mức độ phát triển thấp nhưng đã nỗ lực vượt bậc trong việc cải
thiện các điều kiện kinh tế cơ bản.
Ngoài Trung Quốc,
Ấn Độ, Philippines và Malaysia, nhóm này còn bao gồm Bangladesh, các quốc gia
Trung Á như Uzbekistan, Kazakhstan và Turkmenistan, các quốc gia Mỹ Latin có
Peru và Ecuador, khu vực Trung Đông có Ai Cập và Jordan.
Việt Nam cũng lên
11 bậc, so sánh với ấn phẩm Thế giới năm 2050 phát hành lần
đầu tiên vào tháng 1-2011, đứng thứ 41 trong bảng xếp loại 100 quốc gia đến năm
2050 lần này. Theo đó, Việt Nam sẽ có thu nhập bình quân đầu người từ 647 USD
tăng lên 4.335 USD vào năm 2050.
Theo TTO