Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 4 tháng ước đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Con số tăng trưởng này thực chất tăng về sản lượng là nhiều, còn đơn giá không hề tăng.
Năm 2013, tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp đã lạc quan hơn khi đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý II, thậm chí quý III/2013.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn tăng trưởng ổn định. Mặc dù sức tiêu thụ thế giới chưa phục hồi, nguồn cung có vấn đề như Trung Quốc đang gặp khó khăn, Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển nhập khẩu hàng Trung Quốc sang thị trường khác như Việt Nam.
Đặc biệt vừa qua, vụ sập nhà máy may của Bangladesh đã làm dấy lên những quan ngại trên toàn cầu về điều kiện làm việc trong các nhà máy sản xuất hàng thời trang giá rẻ, chính sách xã hội kém.
Bà Đặng Phương Dung- Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam- cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có chính sách xã hội tốt, bảo vệ người lao động mạnh mẽ, mức lương hợp lý và một ngành dệt may phát triển lành mạnh. Vì thế, có khả năng đơn hàng sẽ được dịch chuyển về các nước thực hiện trách nhiệm xã hội cao hơn.
Trong 4 tháng đầu năm 2013, sản lượng hàng may mặc ước đạt 815,6 triệu cái, tăng 5,6%. Sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 90,2 triệu m2, giảm 6,5%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 246,6 triệu m2, giảm 9,6%. |
Đơn hàng tuy nhiều nhưng tập trung chủ yếu về các mặt hàng cấp trung hoặc thấp nên đơn giá không tăng, thậm chí giảm. Con số xuất khẩu tăng nhưng thực chất tăng về sản lượng rất nhiều- bà Dung nhận xét.
Đề cập tới chi phí trong ngành dệt may, bà Dung cho biết: Tiền lương cho người lao động yêu cầu tăng nhưng chưa theo kịp, đã gây sức ép rất nhiều đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn thêm về chi phí vận chuyển tăng cao, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp về lợi nhuận giảm. Nhiều khả năng các doanh nghiệp chỉ giữ được hòa vốn khó.
Bà Dung cũng cho biết thêm, bên cạnh trở ngại là nguồn nguyên phụ liệu nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất thì vấn đề nữa chính là rào cản kỹ thuật trong nước quá khắt khe.
Theo đó, với yêu cầu về môi trường mà cụ thể là tiêu chuẩn nước thải cho các dự án dệt, nhuộm quá cao (nước thải sau dệt, nhuộm phải đạt mức A), thậm chí là cao hơn cả những nước trong khu vực đã khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, đặc biệt là các dự án dệt, nhuộm.
Vì vậy, bà Dung kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với các bộ, ngành liên quan xem xét các quy định tiêu chuẩn về môi trường, nước thải cho các dự án dệt, nhuộm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành đồng thời vẫn phù hợp với các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nên đẩy nhanh tiến độ phê duyệt kinh phí cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và tiến hành các hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường.
Theo Báo Công Thương Điện Tử