Cảng quá tải, cảng vắng hoe
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, sản lượng hàng hóa 6 tháng đầu năm tại khu vực TP.HCM tăng 13%, trong đó cảng Cát Lái tăng 12% so với cùng kỳ, chiếm trên 85% thị phần container khu vực TP.HCM, trên 70% khu vực phía Nam và trên 40% toàn quốc. Đặc biệt, sản lượng khu vực Cái Mép tăng đến 46% so với cùng kỳ, trong khi trên 60% sản lượng thông qua Cái Mép phải chuyển về Cát Lái để giao hàng càng làm cho tình trạng ùn ứ tại Cát Lái gia tăng. Không chỉ cảng Cát Lái, hiện nay các ICD luôn trong tình trạng đầy hàng.
Bà Phạm Thị Thùy Vân, Phó Giám đốc Maketing cảng Cát Lái cho biết, Cảng đã thuyết phục khách hàng đưa hàng về các cảng lân cận, tuy nhiên, khách hàng vẫn lựa chọn cảng Cát Lái. Lý do, theo khách hàng, nếu cập cảng Cái Mép - Thị Vải thì chủ hàng phải mất thêm 2-3 triệu cho 1 container loại 40 feet, chưa kể các chi phí khác. Bà Vân cho biết thêm, nên phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển, vấn đề là phải giảm chi phí để thu hút chủ tàu đổi luồng vào khu vực.
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, để cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển, thu hút chủ tàu thì phải đáp ứng nguồn hàng tại chỗ. Các chủ cảng không nên mở rộng quy mô, nâng cấp cảng vì nếu làm thế sẽ phá vỡ quy hoạch cảng biển, làm trầm trọng thêm vấn đề cảng Cái Mép - Thị Vải vì khi nâng cấp cảng thì tàu trọng tải lớn sẽ bị hút vào các cảng khác.
Theo ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, một trong những nguyên nhân làm cho cảng Cát Lái quá tải còn các cảng khác lại èo uột là do năng lực quản lý, khai thác cảng, trong đó có việc áp dụng công nghệ chưa đồng bộ, cung cách phục vụ khách hàng chưa tốt. Bên cạnh đó, một số lại cho rằng, hệ thống giao thông kết nối với cảng chưa hoàn thiện, đồng bộ. Cũng theo bà Phạm Thị Thùy Vân, cảng Cái Mép có tổng công suất 7 triệu TEU/năm nhưng hiện chỉ đạt 1,2 triệu TEU/năm. Tàu về cảng Cát Lái nhiều mà không về cảng Cái Mép một phần là do cảng Cát Lái có vị trí thuận lợi, hệ thống cảng ICD thuận tiện, chi phí giảm hơn so với cảng Cái Mép. Bà Vân đề xuất cần có cơ chế giảm giá, lệ phí không hợp lý trên đường vận chuyển từ cảng Cái Mép về TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương để thu hút hàng hóa.
Quy hoạch đồng bộ
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, mặc dù cảng Cát Lái hiện giờ đã không còn tình trạng ùn ứ hàng hóa, nhưng khoảng cách dẫn đến ùn ứ rất mong manh nên cần phải có giải pháp lâu dài. Theo lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, để giảm tải cảng Cát Lái, đơn vị đang triển khai đầu tư thêm 4 cẩu bờ, 6 cẩu bãi và mở rộng thêm diện tích bãi cảng Cát Lái với tổng đầu tư khoảng 580 tỉ đồng; đẩy nhanh thi công và mua sẵn thiết bị đưa cảng Tân Cảng- Hiệp Phước vào khai thác; Kết hợp với cảng Phú Hữu -Bến Nghé để sớm đưa cảng vào khai thác... Tổng công ty cũng phối hợp với các hãng tàu có tàu vào khu vực Cái Mép thuyết phục khách hàng giao nhận trực tiếp tại Cái Mép thay vì chuyển về Cát Lái để giảm tải cho Cát Lái.
Đại diện các cảng thuộc TP.HCM và các vùng lân cận cho biết sẵn sàng tiếp nhận tàu từ cảng Cát Lái. Ông Võ Hoàng Giang, Phó Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn cho rằng, trước mắt để giải quyết vấn đề hàng hóa ùn ứ tại cảng Cát Lái cần thiết sự chia sẻ các nguồn hàng từ các cảng lân cận, trong đó cần khuyến khích hàng hóa về cảng Cái Mép - Thị Vải vốn chưa khai thác hết công suất. Hiện cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn chưa thu hút nhiều chủ tàu do giao thông kết nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải chưa thuận lợi; các chủ tàu vẫn chủ yếu tập trung vào cảng Cát Lái. Cảng Sài Gòn sẵn sàng hợp tác với cảng Cát Lái để giải phóng ùn ứ về các cảng thuộc Cảng Sài Gòn cũng như các cảng bạn. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Cảng Container SPCT (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho rằng, hiện cảng này đang thừa công suất, sẵn sàng chia sẻ với các cảng bạn. Ngoài ra, theo bà Quỳnh, từ đầu năm đến nay, cảng đã chủ động liên hệ, vận động các hãng tàu chuyển qua tàu lớn đi theo luồng Soài Rạp để tránh quá tải cho khu vực Cát Lái.
Theo Báo Hải quan.