Cục Đăng kiểm VN vừa ủy quyền cho một số tổ chức đăng kiểm quốc tế thực hiện đánh giá để cấp Giấy chứng nhận Lao động Hàng hải theo Công ước Lao động Hàng hải năm 2006 (MLC năm 2006) cho 17 tàu biển VN chạy tuyến quốc tế. Điều này giúp các tàu chạy tuyến xa như: Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ… đỡ tốn kém chi phí đưa tàu về VN hoặc thuê Đăng kiểm VN đến đánh giá cấp Giấy chứng nhận MLC và để khỏi bị chính quyền cảng nước ngoài lưu giữ.
Theo Công ước MLC năm 2006 của Tổ chức Lao động quốc tế mà VN đã tham gia, từ 20/8/2014, tàu biển mang cờ quốc tịch VN chạy tuyến quốc tế có tổng dung tích từ 500 GT trở lên phải có Giấy chứng nhận MLC do Đăng kiểm VN cấp.
Giấy chứng nhận này thể hiện sự bảo đảm thuyền viên được hưởng các chế độ làm việc, nghỉ ngơi, chăm sóc y tế, hợp đồng lao động… theo chuẩn quốc tế.
Và cũng từ ngày 20/8/2014, tàu nào cập cảng quốc tế mà không có Giấy chứng nhận MLC sẽ bị chính quyền cảng nước ngoài lưu giữ tàu. Đây có thể là nguy cơ khiến đội tàu biển VN đến cuối năm 2014 vẫn chưa thoát khỏi “danh sách đen” về tàu biển bị lưu giữ bởi chính quyền cảng các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo-Mou).
Ông Phạm Thanh Trường - Phó giám đốc phụ trách trung tâm Chứng nhận hệ thống chất lượng và an toàn, Cục Đăng kiểm VN cho biết, đội tàu biển VN có 370 chiếc buộc phải có Giấy chứng nhận MLC và đến thời điểm này còn 98 chiếc chưa có chứng nhận, giảm gần 100 chiếc so với thời điểm công ước bắt đầu có hiệu lực với VN (20/8/2014).
Theo ông Trường, nguyên nhân 98 tàu chưa có Giấy chứng nhận MLC do các chủ tàu chưa chuẩn bị sẵn sàng và chưa bố trí để Cục Đăng kiểm VN đánh giá, hoặc tàu đang sửa chữa, khắc phục khiếm khuyết sau đánh giá, đang chạy nội địa, đang lên đà, đang nằm tại cảng của các quốc gia chưa phê chuẩn Công ước MLC 2006 và đã đề nghị tạm thời cho tàu dừng hoạt động tuyến quốc tế.
Theo Giao thông vận tải.