Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam (sau Mỹ,
Nhật Bản, Trung Quốc, Australia và Singapore), là thành viên “Câu lạc bộ 1 tỷ
USD”. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) đang đứng trước nhiều cơ hội để đẩy mạnh
lượng hàng xuất khẩu vào Đức. Đây là những thông tin được đưa ra từ hội thảo
“Cộng hòa Liên bang Đức, cửa ngõ cho các DN VN vào thị trường châu Âu” tổ chức
tại TPHCM hôm qua 27-12.
Nhu cầu cao, tiềm năng lớn
Theo ông Thomas Hundt, Trưởng Tổ chức Thương mại và Đầu tư
Đức tại VN, ngoại thương là một trong những nhân tố chủ yếu trong sự thành công
của nền kinh tế Đức, trong đó xuất khẩu đóng vai trò thiết yếu, là một trong
những ngành đem về nhiều ngoại tệ nhất với kim ngạch đạt 1.303 tỷ USD.
Là nước phụ thuộc nhiều vào ngoại thương nên Đức đồng thời
cũng nhập nhiều loại hàng hóa, hiện Đức là nước nhập khẩu hàng hóa nhiều thứ 2
thế giới. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, phương tiện vận chuyển,
hóa chất, thuốc lá, lương thực, đồ uống, kim loại và các sản phẩm dầu mỏ… Đây
cũng là thị trường đầy tiềm năng đối với những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu
của VN như dệt may, da giày, thủy hải sản.
Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho
rằng, liên tục từ năm 2007 đến nay, Đức trở thành một trong những đối tác
thương mại quan trọng của VN tại châu Âu. Chính giới Đức cũng đánh giá cao sự
phát triển và vị trí của VN trong ASEAN. VN và Đức cũng có những quan điểm
tương đồng về các vấn đề quốc tế lớn như toàn cầu hóa, chống khủng bố… Hợp tác
giữa 2 nước trên các diễn đàn đa phương tiếp tục được tăng cường.
Gần đây, Đức cũng nhiều lần cam kết ủng hộ việc chấm dứt hoàn
toàn việc áp thuế chống bán phá giá giày da VN. Ngoài ra, Đức đặc biệt quan tâm
việc sớm khởi động đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do VN – EU. Những yếu tố
thuận lợi này đã mở ra cơ hội lớn cho DNVN tăng cường xuất khẩu vào Đức. Tuy
nhiên, do mức sống của người dân nước này rất cao nên nhu cầu sử dụng hàng hóa
tương đối khó tính.
Chất lượng, mẫu mã quyết
định thành công
Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của VN. Trong các mặt
hàng mà VN xuất khẩu sang Đức có 18 mặt hàng đạt từ 10 triệu USD trở lên, trong
số đó có 11 mặt hàng đạt từ 50 triệu USD trở lên. Các mặt hàng xuất khẩu chủ
yếu của VN vào Đức gồm giày dép, dệt may, cà phê, sản phẩm gỗ, thủy hải sản, ba
lô, cặp, túi, ví, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, hàng thêu. Cơ cấu mặt hàng
xuất khẩu của VN chủ yếu là hàng gia công, hàng nông sản chưa qua chế biến hoặc
mới sơ chế. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của VN vào
Đức còn quá nhỏ so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…
Để tăng lượng hàng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Đỗ
Thắng Hải lưu ý, người dân Đức không quá đòi hỏi yêu cầu về kiểu cách, quan
trọng là chất lượng thành phẩm và sự kỳ công của nhà sản xuất nhằm tạo sự khác
biệt của sản phẩm. Chẳng hạn, khi DN muốn đưa hàng thủ công mỹ nghệ sang Đức,
trước hết cần phải tìm hiểu kỹ về tập quán tiêu dùng cũng như nhu cầu của người
dân bản địa. Về vấn đề này, các DN còn nhiều hạn chế do thiếu thông tin từ thị
trường, mức thuế của từng nhóm hàng. Ngoài ra, hàng VN cũng đang đứng trước sự
cạnh tranh rất lớn so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực…
Theo khuyến cáo của ông Thomas Hundt, DNVN muốn xuất khẩu
hàng vào Đức, buộc phải tuân thủ quy chuẩn của cả EU và của Đức. Tuy nhiên, so
với luật chung của EU thì luật của Đức nghiêm ngặt hơn. Trong đó cần chú trọng
đến 3 tiêu chuẩn: chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Ngoài ra,
khi sử dụng nguyên phụ liệu, DN nên tránh các chất gây cháy như PPF hoặc nguyên
liệu có tính chất tẩy trùng, bởi với các chất không đảm bảo về tiêu chuẩn chất
lượng thì hải quan Đức sẽ tiêu hủy và chi phí tiêu hủy do phía VN chi trả.
Để tránh rủi ro, các DNVN trước khi đặt quan hệ làm ăn với DN
nào của Đức thì nên thăm dò uy tín của DN đó trước (về quy mô DN, hoạt động ra
sao, tình hình tài chính, hiện tại có khả năng buôn bán hay không), bởi thực tế
không phải DN nào của Đức cũng hoạt động “ngon lành”. Theo đó, các DN nên phát
triển theo hướng chuyên doanh, có chiến lược kinh doanh tập trung và tạo được
nguồn hàng lớn, không nên sản xuất, kinh doanh tổng hợp để tạo ra những cạnh
tranh không lành mạnh lẫn nhau trong nội bộ các DNVN. Đáng lưu ý, khi xuất khẩu
hàng sang Đức, nhất thiết phải xuất những hàng hóa chất lượng, không xuất hàng
tạp. Đặc biệt là các mặt hàng may mặc, giày dép, nếu chúng ta xuất hàng tạp sẽ
không thể cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc vốn đang chiếm lĩnh hầu hết
thị trường này.
Đức là nền kinh tế lớn nhất trong khối Liên minh châu Âu,
đứng thứ 5 thế giới về GDP với 3.316 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2010 là
3,5%. Dân số của nước này là 82 triệu người, trong đó có khoảng 0,9% dân số làm
việc trong ngành nông nghiệp. Đức là một trong những quốc gia được đánh giá có
chất lượng cuộc sống cao nhất thế giới với GDP bình quân đầu người là 35.700
USD (năm 2010).
Theo thông tin từ Bộ Công thương, năm 2010, kim ngạch thương
mại 2 chiều đạt 4,115 tỷ USD, trong đó VN xuất khẩu sang Đức đạt 2,37 tỷ USD và
nhập khẩu 1,74 tỷ USD. Tính đến hết quý 3-2011, kim ngạch 2 chiều xấp xỉ đạt 3,99
tỷ USD, gần bằng kim ngạch cả năm 2010. VN được Đức xếp hạng đối tác thương mại
thứ 40/144 nước xuất khẩu hàng hóa vào Đức và 55/144 nước nhập khẩu hàng từ
Đức. Tổng kim ngạch 2 chiều, VN xếp thứ 47/144 nước.
Theo INFOTV