Theo báo cáo của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn), tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm
2011 ước xấp xỉ 25 tỷ USD, tăng 27,9% so cùng kỳ năm trước. Con số này chứng tỏ
sự tăng trưởng vượt bậc giúp nhóm ngành nông lâm thuỷ sản đạt được năm xuất
khẩu đầy bội thu.
Tính đến tháng 12/2011, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 2,2 tỷ USD, đưa giá
trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cả năm 2011 ước xấp xỉ 25 tỷ USD, tăng 27,9% so
cùng kỳ năm trước.
Trong đó các mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng
này, ước đạt 13,7 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,2%; thuỷ sản ước đạt
6,1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ; lâm sản ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,7% so
cùng kỳ.
Sự tăng trưởng vượt bậc về giá trị xuất khẩu phần lớn là do xu hướng tăng giá
của các mặt hàng nông lâm thuỷ sản trên thế giới mặc dù khối lượng xuất khẩu
của hầu hết các mặt hàng giảm nhẹ so với năm trước.
Xuất khẩu gạo năm 2010 được đánh giá đạt kỷ lục về số lượng và giá trị xuất
khẩu gạo với 6,88 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,23 tỷ USD, tăng 15,4% về lượng,
trên 21% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.
Bước sang năm 2011, xuất khẩu gạo tiếp tục đạt được sự tăng trưởng khá vững
chắc. Theo đó, xuất khẩu gạo cả năm ước đạt 7,2 triệu tấn, với kim ngạch 3,7 tỷ
USD, so với cùng kỳ năm 2010 tăng 4,4% về lượng và 14% về giá trị. Riêng tháng
12/2011, xuất khẩu gạo đạt 400 ngàn tấn, thu về 240 triệu USD. Giá gạo xuất
khẩu tiếp tục tăng nhẹ so với tháng trước, giá gạo bình quân 11 tháng đạt 510
USD/tấn, tăng 9,1% so với năm trước.
Theo đánh giá của Bộ NN & PTNT thì, nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu năm
2011 tăng lên là do Chính phủ Thái Lan tăng giá thu mua lúa gạo trong nước dẫn
đến giá gạo xuất khẩu của nước này cũng được đẩy lên, nhờ đó mà xuất khẩu gạo
của Việt Nam cũng được hưởng lợi theo.
Bên cạnh đó, tình hình lũ lụt vào những tháng gần cuối năm ở các nước Đông Nam
Á dẫn đến nguồn cung về gạo trong ngắn hạn cũng có chút thiếu hụt. Hơn nữa, do
giá các sản phẩm ngũ cốc khác như ngô, lúa mỳ... cũng tăng mạnh cũng khiến cho
giá gạo tăng theo.
Ngoài giá gạo xuất khẩu tăng, thị trường xuất khẩu gạo năm
2011 cũng có nhiều thay đổi. Năm 2011, vượt qua Philippin, Inđônêxia trở thành
thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu (chiếm 26,8% tỷ trọng giá trị xuất khẩu gạo và
gấp 4 lần cả về khối lượng và giá trị so với năm 2010), Xênêgan và Trung Quốc
cũng là hai thị trường có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước, gấp
khoảng 3 lần.
Cùng với xu hướng tăng giá chung của các mặt hàng nông sản, mặc dù khối lượng
cà phê xuất khẩu hầu như không tăng nhưng giá trị xuất khẩu vẫn đạt được sự
tăng trưởng kỷ lục.
Nếu năm 2010, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn, thu về kim ngạch
gần 1,7 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu năm 2010 đạt bình quân 1.503 USD/tấn, so
với 1.462 USD/tấn của năm 2009. Sang năm 2011, mặc dù khối lượng cà phê xuất
khẩu chỉ đạt 1,2 triệu tấn và giá trị là 2,7 tỷ USD, xấp xỉ về lượng tuy nhiên
giá trị xuất khẩu của mặt hàng cà phê lại tăng tới 45,4% so với năm ngoái.
Giá xuất khẩu trong tháng 12 giảm nhẹ so với tháng trước, giá trung bình 11
tháng đạt 2.205 USD/tấn tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2010. Vị trí các thị
trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam không có sự thay đổi nhiều so với năm
trước, đứng đầu vẫn là Hoa Kỳ (chiếm 11,7%), tiếp theo là Đức (chiếm 10,1%).
Một số thị trường có sự tăng trưởng khá là Bỉ (tăng 92,8% về lượng và gấp gần 3
lần về giá trị), và Hà Lan (tăng 46,4% về lượng và gấp 2 lần về giá trị).
Đối với mặt hàng cao su, năm 2010, nhờ tăng sản lượng và nhờ giá cao, Việt Nam
đã có mức kim ngạch và khối lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất so với
trước đây, đạt 2,388 tỷ USD với lượng xuất khẩu là 782.200 tấn, tăng 94,7% về
giá trị và tăng 6,9% về lượng. Mức giá bình quân năm 2010 là 3.053 USD/tấn,
tăng 82% so với năm trước.
Bước sang năm 2011, xuất khẩu cao su của Việt Nam tiếp tục đạt mức cao. Ước
xuất khẩu cao su tháng 12/2011 đạt 130 ngàn tấn, kim ngạch đạt 390 triệu USD,
đưa lượng cao su xuất khẩu cả năm 2011 lên 846 ngàn tấn, kim ngạch đạt 3,3 tỷ
USD, tăng 8,2% về lượng và tăng tới 37,5% về giá trị.
Bộ NN & PTNT nhận định, giá cao su đang có xu hướng giảm nhưng so với cùng
kỳ năm 2010 vẫn tăng tới 38,2%, giá bình quân 11 tháng đạt 4.039 USD/tấn. Xuất
khẩu cao su sang các thị trường lớn tăng trưởng ổn định, ngoại trừ Hàn Quốc
(giảm 2,5%) và Nga (giảm 27,7%).
Năm 2010 là năm đầu tiên xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mốc 1 tỷ USD, đồng
thời khẳng định vị trí dẫn đầu thế giới 4 năm liên tiếp. Theo Hiệp hội Điều
Việt Nam (Vinacas), sản lượng hạt điều xuất khẩu của năm 2010 đạt khoảng
196.000 tấn, với kim ngạch là 1,14 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và 34,8% về giá
trị so với năm 2009.
Năm 2011, theo Bộ NN & PTNT cho biết, ước tháng 12, xuất
khẩu điều đạt 17 ngàn tấn, với kim ngạch 140 triệu USD. Lượng điều xuất khẩu cả
năm 2011 ước đạt 178 ngàn tấn, kim ngạch 1,5 tỷ USD, giảm 8,5% về lượng nhưng
giá trị vẫn tăng 30,1% so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt 8.294 USD/tấn, tăng 44,6% so với cùng kỳ
năm 2010. Khối lượng xuất khẩu giảm ở hầu hết các thị trường tiêu thụ. Hoa Kỳ
vẫn giữ vị trí đầu bảng về tiêu thụ điều của Việt Nam, chiếm gần 1/3 lượng điều
xuất khẩu.
Ước tháng 12/2011, xuất khẩu tiêu đạt 5 ngàn tấn, kim ngạch đạt 30 triệu USD.
Ước lượng tiêu xuất khẩu 12 tháng năm 2011 đạt 125 ngàn tấn, kim ngạch 736
triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng tăng 7,2% và kim ngạch tăng tới
74,6%. Giá xuất khẩu tiêu đã đạt một kỷ lục mới, giá bình quân 11 tháng đạt
5.867 USD/tấn, tăng 66,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh mặt hàng tiêu, giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ năm 2011
cũng tăng đáng kể. Ước kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chính gỗ và sản phẩm gỗ
tháng 12 đạt 355 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu của cả năm 2011 đạt 3,9
tỷ USD, tăng so với cùng kỳ là 13,4%. Phần lớn các thị trường đều tăng trưởng
khá về kim ngạch. Trong đó, ba thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản, và
Trung Quốc.
Cuối cùng là mặt hàng thuỷ sản, ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng
12/2011 đạt 550 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 12
tháng lên 6,1 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Với kết quả này, xuất khẩu
thủy sản đã vượt 5,3% so với kế hoạch 5,7 tỉ USD đề ra từ đầu năm nay và tăng
khoảng 20% so với năm ngoái.
Các thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn vẫn là Hoa Kỳ và Nhật Bản, chiếm 1/3 giá
trị xuất khẩu thuỷ sản. Mặt hàng chiếm ưu thế lớn nhất vẫn là tôm sau đó là cá
tra.
Theo mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra trong năm 2012 là, cả nước phấn đấu đạt
tổng sản lượng thủy sản 5,35 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản đạt 2,2
triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 3,15 triệu tấn và tổng kim ngạch xuất khẩu
thủy sản đạt 6,5 tỉ USD.
Theo INFOTV