Thành công và hiệu quả thì đã thấy, nhưng cần phải làm gì để tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN khi hoạt động trên tuyến vận tải này?
Cần sự kết nối
Ngay khi Bộ Giao thông vận tải đưa ra chủ trương siết chặt tải trọng xe vận tải đường bộ, nhiều DN, đặc biệt là các DN chuyên sản xuất hàng “nặng” (hàng có khối lượng lớn như: khoáng sản, vật liệu xây dựng, sắt thép, hóa chất…) lo lắng vì chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều. Chính vì thế, tuyến vận tải ven biển chạy từ Bắc vào Nam được khai thông thực sự mang lại cho DN giải pháp vận tải cần thiết và hợp lý.
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, sau 3 tháng đi vào hoạt động, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã có gần 300 tàu vận chuyển với gần 500.000 tấn hàng hóa, tương đương khoảng 17.000 lượt xe vận tải 30 tấn. Mặc dù số lượng vẫn còn ít, nhưng nếu tính cả tổng thể khi đủ lượng hàng hóa, đông đảo DN cùng tham gia thì bài toán vận tải ven biển sẽ cho ra chi phí rẻ hơn rất nhiều, có thể lên đến 4-5 lần so với vận tải bộ, chưa kể các DN có thể tránh được những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao khi lưu thông đường bộ.
Đại diện Công ty giao nhận vận tải Dasuka cho biết, với những hướng phát triển và mở rộng như hiện nay, tuyến đường này sẽ nhanh chóng trở nên hiệu quả và phổ biến. Còn theo ông Nguyễn Huy Quân, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu mỡ và Chất đốt Quân Sen, do công ty sản xuất ở ngay gần cảng sông, nên rất thuận tiện để chuyên chở hàng hóa bằng tuyến vận tải ven biển này. Tuy nhiên, theo ông Quân, hàng hóa cần được thông suốt từ nhà máy đến khách hàng và ngược lại nhằm giúp DN đỡ chi phí trung gian, kho bãi…
Mong muốn của ông Quân cũng là mong muốn của đa số các DN khi được hỏi. Các DN đều e ngại các loại phí trung chuyển, phí xếp dỡ, phí cầu cảng, thủ tục xuất nhập hàng… Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội DN vận tải TP.Hà Nội cho rằng, nên có sự liên kết giữa vận tải đường bộ và đường thủy, cần có sự tổ chức vận chuyển hợp lý, điều tiết phương tiện phù hợp, có sự kết nối giữa chủ hàng, tàu thuyền và bến cảng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của DN chủ hàng, DN vận tải và DN chủ tàu, khi nhu cầu vận tải tăng thì sự kết nối sẽ mạnh mẽ hơn.
Cũng theo ông Liên, khi siết chặt tải trọng xe, các DN vận tải đường bộ không thể “gian lận” nên phải trở về giá vận chuyển thật với chi phí tăng cao. Điều này khiến DN buộc phải tìm những phương án hợp lý để sử dụng, tránh làm suy giảm lợi nhuận. Do đó, ông Liên nhận định, để phát triển các tuyến vận tải thủy một cách hài hòa, Nhà nước cần có các hoạt động phát triển cảng biển như: Xây dựng, sửa chữa cầu cảng, khơi thông luồng lạch… Phải làm thế nào để hàng hóa cung ứng ra thị trường một cách nhanh chóng, an toàn, giảm bớt được các khâu trung gian và chi phí không đáng có.
Tăng cường hỗ trợ DN
Giải đáp về vấn đề này, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông vận tải mới trình đề án phát triển giao thông vận tải lên Chính phủ, trong đó có liên quan đến lĩnh vực dịch vụ logistics để làm sao các phương thức vận tải kết nối được với nhau. Cục Hàng hải cũng đang trong quá trình nghiên cứu, thành lập các phương án để tạo vành đai kết nối hiệu quả hơn, giúp DN tiết giảm chi phí theo hướng có lợi nhất.
Để cụ thể hơn đối với các hoạt động hỗ trợ DN, Cục Hàng hải Việt Nam đã có phương án tuyên truyền về tuyến vận tải này xuống từng DN, từng hãng tàu. Mặt khác, để nâng cao chất lượng tàu thuyền và thuyền viên, Cục Hàng hải Việt Nam còn tổ chức các khóa hướng dẫn về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, phổ biến về luật hàng hải. Khi tàu vào cảng, Cục cũng đã có chỉ đạo các cảng vụ phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất để DN bốc dỡ hàng…
Cùng với đó, Cục Hàng hải Việt Nam còn có những hoạt động hỗ trợ sự kết nối giữa chủ hàng với chủ tàu, chủ hàng nào có nhu cầu thuê tàu thì Cục sẵn sàng đứng ra giới thiệu chủ tàu, hướng dẫn cho DN và chủ tàu về phương thức hoạt động của tuyến vận tải ven biển. Chính vì thế, theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, để tránh phát triển “nóng”, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, các DN chủ tàu nên thành lập một hiệp hội để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong kinh doanh, quan trọng nhất là thống nhất với nhau về giá cả, phương án ký hợp đồng, phân chia khách hàng để tạo thuận lợi cho cả đôi bên.
Bên cạnh những thuận lợi về mặt chi phí, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, tuyến vận tải này vẫn còn một số nhược điểm đang phải gấp rút khắc phục. Ví dụ: Tuyến đường này hiện vẫn chưa có quy định về kích cỡ tàu VR-SB khi đi vào sâu trong các cảng, lực lượng thuyền viên qua đào tạo còn thiếu, đặc biệt là thuyền viên có chứng chỉ đi biển, các lực lượng này cũng chưa có nhiều kinh nghiệm khi đi ra đường biển…
Theo báo Hải Quan