|
Lượng hàng thông qua cảng biển tăng; các cơ quan quản lý nhà nước về ngành hàng hải tích cực tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Đó là những tín hiệu vui cho thấy sự hồi phục của hoạt động cảng biển trong 6 tháng đầu năm nay.
TÍN HIỆU TĂNG TRƯỞNG
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2013, hệ thống cảng biển Việt Nam đã đón nhận 40.950 lượt tàu biển trong và ngoài nước. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt hơn 154 triệu tấn, tăng 6,29% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các cảng biển đã đón nhận hơn 3.300 lượt tàu, tổng khối lượng hàng thông qua cảng 6 tháng ước đạt hơn 22,9 triệu tấn. Trong đó, hàng lỏng 7,07 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2012 (7,07/5,86 triệu tấn); hàng khô 6,3 triệu tấn, ngang với cùng kỳ năm 2012 (6,3/6,34 triệu tấn); hàng container 3,63 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2012 (3,63/3,41 triệu tấn); hàng quá cảnh 5,89 triệu tấn, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2012 (5,89/8,8 triệu tấn). Lượng hàng thông qua cảng trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào hai cảng: Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) và Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT).
Là cảng hoạt động hiệu quả và ổn định nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, TCIT đã có sự tăng trưởng rõ rệt. 6 tháng đầu năm, lượng hàng thông qua cảng đạt 572.758 TEUs, trong đó sản lượng tàu mẹ 305.591 TEUs, sản lượng xà lan 253.658 TEUs, sản lượng Feeder 13.509 TEUs. So sánh với sản lượng thực tế tương ứng cùng kỳ năm 2012 (tàu mẹ 228.713 TEUs, xà lan 204.276 TEUs, Feeder 11.410 TEUs), thì sản lượng hàng hóa tăng từ 18-34%, trong đó sản lượng tàu mẹ đạt 34%. Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh TCIT cho biết, TCIT đã đạt được gần 50% sản lượng dự báo của năm 2013 và tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái (572.758/444.399), tương ứng 128.359 TEUs. Dự kiến năm 2013, TCIT xếp dỡ hơn 1.220.042 TEUs.
Tình hình hoạt động của CMIT cũng khá sáng sủa, 6 tháng đầu năm 2013, CMIT đã xếp dỡ khoảng 300.000 TEUs với mức độ an toàn cao; năng suất ổn định ở mức trung bình khoảng 40 container/giờ/cẩu bờ STS. So với lượng hàng thông qua CMIT cùng kỳ năm 2012, lượng hàng hóa thông qua cảng đã tăng thêm 57.000 TEUs (300.000/243.000).
Tăng trưởng về sản lượng cộng với sự dự báo tốt về thị trường từ các hãng tàu và những diễn tiến thuận lợi của ngành hàng hải đã tạo ra lạc quan về sản lượng hàng thông qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trong thời gian tới. Trước đó, hãng tàu Maersk Line cũng đã dự báo nhu cầu sử dụng container bằng đường biển trên toàn cầu sẽ tăng từ 2-4% trong năm 2013. Trong bản báo cáo tài chính quý I-2013 được Maersk Line Việt Nam công bố ngày 21-5, Việt Nam được đề cập là một điểm đến hấp dẫn với lợi thế chi phí lao động thấp, cảng có vị trí địa lý chiến lược. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước dẫn đầu trong xuất khẩu nông sản, tốc độ tăng trưởng GDP cao, có sự ổn định về chính trị... Mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn ảm đạm nhưng hãng này đánh giá vẫn có những cơ hội cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng của Việt Nam.
CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Để nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải, các nhà đầu tư cảng cùng với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành từng bước hoàn thiện quy trình quản lý, trong đó có việc nâng cao cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, ngày 19-6, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã triển khai văn phòng làm thủ tục một cửa cho tàu thuyền nước ngoài vào, rời cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đặt tại Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT). Việc làm này đã tiết kiệm được chi phí, thời gian cho các hãng tàu, đại lý hàng hải và được khách hàng đánh giá cao.
Ông Lương Xuân Phúc, đại diện Đại lý hàng hải hãng tàu OCL phân tích, trước đây mỗi khi tàu vào, rời cảng, các đại lý tàu phải di chuyển hơn 100km (đi về giữa cảng và TP.Vũng Tàu) để làm thủ tục hàng hải, thời gian di chuyển phải mất khoảng từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Nếu chẳng may hồ sơ có sai sót thì thời gian làm thủ tục lại tăng lên gấp đôi. "Việc triển khai văn phòng làm thủ tục hàng hải tại Cái Mép - Thị Vải quá thuận tiện" - ông Phúc nói. Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc đại lý hàng hải Hải Nam cũng cho rằng: "Đây là một bước đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính. Việc giảm thời gian đi lại đã giảm rất nhiều chi phí đi lại cho các đại lý, các hãng tàu cũng được nhiều lợi ích vì giảm được thời gian nằm chờ ở cảng".
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các cảng, hãng tàu về phí, lệ phí, Sở Giao thông – Vận tải cho biết, Sở này sẽ chủ động phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, các cơ quan liên quan thu thập, nghiên cứu, phân tích chi tiết từng khoản phí, lệ phí hàng hải và đề xuất các phương án giảm phí, lệ phí trong các giai đoạn ngắn hạn, dài hạn, kể cả giải pháp tính toán phí, lệ phí hàng hải theo lượng hàng vận chuyển thực tế thay cho cách tính dung tích toàn phần như hiện nay. Từ những số liệu, nhận định và những động thái đổi mới trên cho thấy, bức tranh cảng biển đã có những điểm sáng, hy vọng hoạt động cảng biển trong năm 2013 sẽ phục hồi và tăng trưởng.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử
|