|
Ngày 29-12-2011 tại TP.HCM, Tạp chí Supply Chain Insight phối hợp với Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức hội thảo “Giải pháp cho chuỗi cung ứng xuất khẩu Việt Nam năm 2012”. Tham dự hội thảo có ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phạm Ngọc Dưỡng, Tổng biên tập Tạp chí Supply Chain Insight, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cùng đại của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản, ngân hàng…
Đánh giá về tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đa số các đại biểu tham dự đều cho rằng “Năm 2011 là năm thành công rực rỡ của xuất khẩu nông sản Việt Nam với những con số ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 1,3 tỉ USD, tăng 150 triệu USD so với năm 2010; cao su đạt khoảng 3,2 tỉ USD, tăng gấp 2 lần năm 2010; xuất khẩu gạo đạt khoảng 7 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,7 tỉ USD, tăng gần 800 triệu USD so với năm 2010… Nhưng bước sang năm 2012, tình hình xuất khẩu nông sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng năm 2012, hoạt động chuỗi cung ứng của Việt Nam chịu tác động bất lợi từ bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Cụ thể, các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nhằm vực dậy nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu và nguy cơ rơi vào suy thoái kép tại Mỹ làm hình ảnh triển vọng cho hoạt động cung ứng năm 2012 thêm u ám. Trong nước, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Lạm phát và mặt bằng lãi suất năm 2012 có thể vẫn khá cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiếp tục gia tăng áp lực. Những biện pháp nghiêm ngặt ngăn ngừa lạm phát, thắt chặt đầu tư công trong năm tới có thể tiếp tục gây khó khăn cho một số ngành nông sản, đặc biệt nhiều rủi ro như cà phê, hạt tiêu, hạt điều…
Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty Cà phê Chánh Tinh Anh Việt Nam (CTA) cho rằng “với những diễn biến bất lợi của vòng đàm phán của các nước eurozone cùng các cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra từ nhiều nước lớn ở Châu Âu và Mỹ, thiên hạ đang tạm thời ghìm sóng trên mặt xuống một cách nhân tạo, khiêm cưỡng”.
Qua hội thảo, nhiều giải pháp cho chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản đã được các đại biểu đề xuất. Ông Nguyễn Quang Bình, giám đốc CTA cho rằng trong thời điểm hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nên co lại, làm những cái gì trong tầm kiểm soát và quản lý của mình chứ không nên phình to ra. Càng to, càng lỏng quản lý sẽ càng lộ ra các vị thế kinh doanh bí mật, là miếng mồi béo bở cho đám đầu cơ tài chính. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường nghiên cứu thị trường toàn diện, nắm rõ lý lịch khách hàng và phát triển mô hình kinh doanh qua sàn giao dịch. Đồng thời nên thực hiện các biện pháp bảo hộ rủi ro tỷ giá, lãi suất, biến động giá hàng hóa bằng các công cụ tài chính phái sinh như hợp đồng hoán đổi (swap), hợp đồng kỳ hạn (futures), hợp đồng quyền chọn (option).
Ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo
Lam Hồng
|